Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử thì gặp một người đang đứng ở cổng nhà.

Người khách này ngăn vị học trò  kia lại hỏi: “Nghe nói thầy dạy của ngài là Khổng thánh nhân, như vậy thì học vấn của ngài chắc phải cao lắm. Ngài cho ta hỏi một năm có mấy mùa? Nếu ngài trả lời đúng, ta sẽ dập đầu quỳ lạy ngài, còn nếu trả lời sai thì ngài phải bái lạy ta.”

Vị đệ tử kia suy nghĩ một lát rồi nói: “Xuân, Hạ, Thu, Đông, có bốn mùa!”

Người khách kia cãi lại: “Sai! Có ba mùa!”

Vị đệ tử cảm thấy thực sự là kỳ quái nói: “Rõ ràng là một năm có bốn mùa, sao ngươi lại nói là có ba mùa?”

Đúng lúc hai người tranh luận không thôi thì Khổng Tử đi ra. Vị khách kia hỏi: “Thánh nhân! Xin ngài hãy phân xử, một năm rốt cuộc là có mấy mùa?”

Khổng Tử nhìn vị khách một lượt rồi nói: “Ba mùa!”

Vị khách vô cùng đắc thắng, quay sang cậu học trò của Khổng Tử: ‘Ngươi nghe đã rõ chưa, còn không bái ta một lạy tạ lỗi sao?’. Nói rồi đắc chí cười ha hả đi thẳng.

Cậu học trò thấy hết sức quái lạ, bèn hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy! Một năm rõ ràng là có bốn mùa, sao vừa rồi thầy lại nói là có ba mùa?”

Khổng Tử trả lời: “Con không thấy người kia sao? Đó là một con châu chấu biến hóa mà thành. Một năm, châu chấu chỉ sống có ba mùa, xuân, hạ và thu, nó đâu có biết mùa đông? Con tranh luận với nó chẳng phải là không bao giờ có kết thúc sao?”

Vị đệ tử bừng tỉnh hiểu ra đạo ý cao thâm của bậc Thánh nhân: Tranh cãi với người không cùng cảnh giới là việc phí thời gian vô ích. Lão Tử nói: “Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện” (Nghĩa là: người thiện thì không tranh biện, người tranh biện thì không phải thiện). Sự tu dưỡng, trưởng thành trong đời một người thể hiện ở việc làm, không phải ở lời nói, tranh biện. Xưa nay, phàm đã là chân lý thì đâu cần tranh biện?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kẻ tiểu nhân nhầm tưởng rằng tranh luận không ngớt là khẳng định được chân lý thuộc về mình. Kỳ thực, chân lý vốn không thuộc về người, mà là đạo của vũ trụ. Việc của người quân tử là dụng tâm tu dưỡng đến cảnh giới của chân lý, gọi là giác ngộ, viên mãn. Kẻ tiểu nhân lấy cái ngu xuẩn của mình khăng khăng tranh luận cao thấp với người khác. Trong Đạo đức kinh, Lão Tử viết: “Đạo của bậc Thành nhân là làm mà không tranh”.Một trong ba nguyên lý tu dưỡng tối cao của Phật gia chính là NHẪN. Nhẫn nhịn không tranh biện mới là cảnh giới tu dưỡng cao nhất của đời người.

Phú Bật thời Bắc Tống khi còn trẻ, ông đang đi bộ trên đường phố thành Lạc Dương thì bỗng nhiên có một người mắng chửi ông. Một người đi đường đã ghé tai Phú Bật mà nói nhỏ: “Chàng trai trẻ, có người đang mắng chửi cậu kìa.” Phú Bật nghe xong liền nói: “Hình như là mắng người khác đó.” Người đó lại nói: “Người ta còn gọi tên của cậu mà chửi đó.” Phú Bật suy nghĩ một chút rồi nói: “Có lẽ là mắng người khác, rất có thể người đó trùng tên họ với tôi.” Sau đó, người mắng chửi Phú Bật nghe được phản ứng của ông nên thấy rất hổ thẹn, đến xin lỗi Phú Bật.

Phú Bật chẳng phải chính là đã hành xử như người quân tử, không tranh biện với kẻ tiểu nhận. Đó không phải là nhu nhược mà là không để tâm vào những chuyện vụn vặt, lùi một bước biển rộng trời cao. Cho nên, người xưa cho rằng người thông minh nhưng giả ngốc mới là đạo xử thế của nhà thông thái. Đời người quá ngắn ngủi và quý giá, việc cần làm lại quá nhiều, sao phải vì điều khó chịu mà lãng phí thời gian? Hiểu được cái đạo của người giả ngốc, bạn sẽ thấu một cảnh giới khác của đại trí tuệ.

Trong Luận ngữ, Khổng Tử giảng: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn vu sự nhi thận vu ngôn.” (Tạm dịch: Bậc quân tử ăn nhưng không cầu ăn no, ở không cầu an, nhanh nhẹn, minh mẫn trong việc làm nhưng rất thận trọng về lời nói). Lại thêm: “Quân tử dục nột vu ngôn nhi mẫn vu hành”(Bậc quân tử thường chậm trong lời nói nhưng hành động thì nhanh nhạy).

Rõ ràng là người xưa xem phẩm chất người quân tử là ở hành động, nói ít làm nhiều, lấy hành động chứng minh thay vì xảo biện, có nói cũng lấy khiêm nhường, đúng mực, thậm chí im lặng không nói. Kẻ tiểu nhân ngược lại, nói nhiều nhưng chẳng làm gì cả. Thế nên nhân gian mới có câu: ‘Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo…’

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Một lẽ hết sức dễ hiểu là những người nhẫn nhịn không tranh biện bởi họ còn đang phải… miệt mài làm việc. Kẻ tiểu nhân làm ít nên rảnh rỗi nói nhiều, về bản chất thực sự không phải có năng lực. Người tài trí biết trân quý thời gian hữu hạn, một khi qua đi không trở lại nên dốc lòng toàn tâm toàn trí vào công việc, không muốn phí tiếc cho việc tranh cãi đúng sai. Tâm tranh đấu hơn thua cao thấp họ đã buông bỏ từ lâu…

Kẻ tiểu nhân khoa ngôn xảo ngữ nhưng thực ra mọi việc đều để người khác làm cả. Như vậy tranh cãi với kẻ tiểu nhân há chẳng phải hạ mình xuống bằng họ mà phí thời giờ vô ích sao? ‘Người tốt không tranh biện, người tranh biện không tốt. Người biết không học rộng, người học rộng không biết.

Hàm ý là: Người thông minh không nhất định là kẻ học rộng. Người học rộng lại cũng không nhất định là người thông thái trí huệ. Bởi thứ quyết định trí tuệ của một người không phải ở tri thức tích lũy nhiều bao nhiêu mà là ở tâm thái cảnh giới tư tưởng cao bao nhiêu. Kẻ thông minh dùng khoa ngôn xảo ngữ để hùng biện. Bậc trí giả, ngược lại, đã tu dưỡng đến độ hiểu rằng, nói là một loại năng lực, còn im lặng là một loại trí huệ. Vậy há chẳng phải sống trên đời, không cần tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

*****
*****

Phải làm gì khi bị người khác coi thường? 3 câu chuyện xưa đáng ngẫm

Có nhiều người thường hay than thở rằng: “Người khác xem thường tôi, vậy tôi phải làm sao?”. Có lẽ, sau khi đọc xong 3 câu chuyện dưới đây, bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình.

1. Phú ông và người nghèo

Có một câu chuyện ngụ ngôn, kể rằng: Có vị phú ông gặp một người nghèo, bèn nói với anh ta: “Ta đây giàu có như vậy, sao anh không tôn trọng ta?”

Người nghèo trả lời: “Ông giàu có thì có liên quan gì đến tôi? Tại sao tôi phải tôn trọng ông?”

Phú ông nói: “Ta chia một nửa tài sản của mình cho anh, anh sẽ tôn trọng ta chứ?”

Người nghèo trả lời: “Ông chia một nửa tài sản cho tôi, vậy thì tôi và ông sẽ như nhau, tại sao tôi phải tôn trọng ông?”

Phú ông lại nói: “Vậy nếu ta đem toàn bộ tài sản cho anh thì sao?”

Người nghèo nói: “Vậy thì tôi lại càng không tôn trọng ông, vì lúc này tôi giàu có rồi, còn ông chỉ là kẻ nghèo đói”.

Tuy đây chỉ là một câu truyện cười, nhưng lại nói cho chúng ta biết rõ một đạo lý: Nếu bạn muốn có được sự tôn trọng của người khác, thì cần phải có những thứ khiến người ta phải tín phục. Đó chính là phẩm đức, tình cảm, ý chí, những kỹ năng và năng lực có được qua sự rèn giũa hàng ngày.

2. Hàn Tín và câu nói của bà lão giặt vải

Hàn Tín – Một đại danh tướng khi thành danh, từng lang thang ở đầu đường xó chợ, cũng từng muốn tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời nhàm chán vô vị của mình. Một bà lão giặt vải ở bờ sông vì thương xót ông, nên mỗi ngày đều để dư ra một bát cơm mang đến cho Hàn Tín ăn, cứ liên tục như vậy mấy chục ngày liền.

Hình tượng Hàn Tín trong tác phẩm điện ảnh. Ảnh dẫn theo 360doc.com
Hình tượng Hàn Tín trong tác phẩm điện ảnh. Ảnh dẫn theo 360doc.com

Hàn Tín ăn no xong, dõng dạc hùng hồn trở lại, nói với bà lão rằng, sau này nhất định sẽ báo đáp ân đức của bà. Bà lão vừa nghe xong, đột nhiên giận dữ nói: “Ta vì thương hại mới mang cơm cho ngươi ăn, đàn ông không tự nuôi nổi mình, mà lại nói đến báo đáp người khác ư!”. Những lời này đại ý là, nam tử hán đến tự lập còn không thể, mà lại còn vọng tưởng đến báo đáp người khác, đúng là quá nực cười!

Lời nói này của bà lão, có thể nói là rất cứng rắn tuyệt tình! Một bà lão nghèo khổ ốm yếu, lại có thể nói ra những lời giáo huấn như vậy, đối với một nam tử hán như Hàn Tín, quả thực là nhục nhã vô cùng. Tuy nhiên, cũng nhờ cây gậy cảnh tỉnh này, đã lôi Hàn Tín ra khỏi sự hoang mang tuyệt vọng, khiến ông bắt đầu có ý nguyện mãnh mẽ, muốn thay đổi cuộc đời.

Nhà tư tưởng Lữ Khôn thời nhà Minh từng nói:

“Nghèo không có gì phải hổ thẹn, điều đáng hổ thẹn là nghèo mà vô chí”.

Nếu là một người thiếu ý chí, thì chỉ là khoe khoang khoác lác, không có thực lực thật sự, đến mình cũng không tự lo nổi, sao có thể nói đến chuyện có thể làm gì cho người khác.

Hàn Tín là nhờ thái độ của bà lão, mới vực dậy được tinh thần, nỗ lực phấn đấu, gian nan khổ luyện, kết quả đã trở thành đại tướng quân nhà Hán với công danh hiển hách, và cuối cùng đã báo đáp được ân đức của bà lão.

Có thể thấy rằng ông thật may mắn, nếu bà lão chỉ ôn nhu hiền thục, nói với Hàn Tín những câu thật nhẹ nhàng như “Ngươi cần phải làm việc”, “ngươi cần phải cố gắng” v.v.., thì chưa chắc Hàn Tín có thể tìm được mục tiêu của cuộc đời và bắt tay vào thực hiện nó nhanh đến vậy?

Bị người khác châm biếm là chuyện vô cùng mất mặt, nhưng không thể nào né tránh. Vì vậy cách tốt nhất chính là tiêu hóa nó một cách hiệu quả, biến nó trở thành một nguồn kích thích giúp bạn khai phá cục diện, xoay chuyển tình thế để bắt đầu cuộc hành trình mới.

3. Cách đối đáp của Tô Đông Pha khi được mời trà

Tô Thức, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời Bắc Tống. Ngày thường ông thích cải trang dạo chơi khắp danh sơn cổ tháp, lui tới đàm đạo cùng các vị tăng nhân.

Một ngày nọ, ông đến một ngôi chùa ở Hàng Châu du ngoạn, đến lúc vừa mệt lại vừa khát, bèn đi vào trong chùa nghỉ tạm.

Phương trượng trong chùa thấy ông ăn vận quần áo giản dị bình thường, liền nghĩ đây chỉ là khách hành hương tầm thường nên tỏ ý xem thường không coi trọng. Vị phương trượng chỉ thản nhiên nói: “Ngồi”. Lại xoay người nói với tiểu hòa thường: “Trà”. Tiểu hòa thượng vì thế bưng lên một chén trà cũ đã nguội.

Sau khi hàn huyên vài câu chuyện, phương trượng cảm giác vị khách này ăn nói lưu loát, quả là không tầm thường, hơn nữa phong thái phi phàm, liền mời khách vào trong phòng đàm đạo. Sau khi vào phòng, phương trượng khách khí nói: “Mời ngồi!”. Lại bảo tiểu hòa thượng: “Kính trà!”.

Hòa thượng mời trà Tô Đông Pha. Ảnh dẫn theo bloggang.com
Hòa thượng mời trà Tô Đông Pha. Ảnh dẫn theo bloggang.com

Sau một hồi trò chuyện, phương trượng biết được vị khách này chính là đại thi nhân tiếng tăm lừng lẫy Tô Đông Pha, vội vàng thở dài cung kính dẫn ông vào phòng khách, không ngớt lời nói: “Kính mời ngồi!”. Rồi lại gọi tiểu hòa thượng: “Kính trà thơm!”.

Lại nói chuyện một hồi, Tô Đông Pha bèn cáo từ. Phương trượng nhanh nhảu nói: “Tô học sĩ hạ cố đến chơi, mời ngài đề lên mấy chữ làm lưu niệm”. Tô Đông Pha suy nghĩ một chút, mỉm cười múa bút, viết lên một câu đối.

Vế trên là: “Tọa, thỉnh tọa, thỉnh thượng tọa”. (Ngồi, mời ngồi, kính mời ngồi).

Vế dưới là: “Trà, kính trà, kính hương trà”. (Trà, kính trà, kính trà thơm).

Vị phương trượng lúc đó mới thấy xấu hổ đỏ bừng mặt, không nói được lời nào.

Người thông minh đều biết rằng, chứng minh giá trị của một người, tuyệt đối không nằm ở lời nói của vài người khác. Tô Thức có sự trải nghiệm và tu dưỡng, khi ông bị người khác khinh thường, không vì thế mà nổi trận lôi đình, bộc phát cơn tức, ngược lại còn rất điềm tĩnh tự nhiên đối đãi, không quan tâm đến thái độ của người khác.

Còn vị phương trượng, mặc dù làm một người tu luyện nhưng chưa tu bỏ được cái tâm phân biệt sang hèn, cuối cùng đã lĩnh ngộ được tài hoa của Tô Thức, từ đó mà cảm thấy xẩu hổ.

Trong cuộc sống, có lẽ chúng ta cũng sẽ gặp không ít những tình huống tương tự như Tô Thức ở trên. Liệu khi đó bạn có giữ được phong thái điềm tĩnh như vậy?

***

Nhiều khi, không phải người khác coi thường bạn, gây khó dễ cho bạn, mà là do bạn đã không làm tốt, khiến người ta không hài lòng. Vậy nên, thái độ của người khác chính là tấm gương phản chiếu chính bản thân bạn.

Bởi vậy, chỉ có cố gắng nâng cao hình tượng và giá trị của bản thân mình, thì mới dần dần khiến người khác tôn trọng. Tuy nhiên, hình tượng và giá trị ấy phải thông qua tu dưỡng mà thành. Khi đó bạn mới thực sự có được phong thái điềm tĩnh thanh cao như Tô Thức trong câu chuyện ở trên vậy!

Ngoài ra, có một điều kiện cần không thể thiếu, đó chính là sự tự tin. Nhà văn Turgenev của nước Nga từng nói: “Tin tưởng bản thân bạn trước, sau đó người khác mới tin tưởng bạn”

Bởi nếu như ngay đến chính bạn cũng coi thường bản thân mình, vậy bạn làm sao có được sự tôn trọng của người khác đây?

Nếu bản thân bạn là một viên kim cương, không may bị đánh rơi trên một bãi biển, và bị người khác không chút đoái hoài, chỉ xem là hạt cát vô giá trị. Vậy thì, chỉ cần bạn không nản lòng, mà kiên nhẫn chờ đợi từng đợt thủy triều lên xuống, cuối cùng ánh sáng của bạn chắc chắn sẽ thu hút mọi ánh nhìn.

Vì vậy, nếu như bạn thực sự là kim cương, trong khi bị vùi lấp, xin đừng than thở hay oán trách, hãy kiên trì giữ lấy ước mơ lấp lánh, tin chắc rằng có một ngày nhất định bạn sẽ thành công!

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.