Đang mùa dịch, bỏ túi ngay 5 loại cây khắc tinh của thủy đậu
Y học cổ truyền liệt thủy đậu vào loại ôn dịch, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ lan rộng nhanh chóng. Dưới đây là những loại cây khắc tinh của thủy đậu, giúp người bệnh thoát khỏi chứng bệnh khó chịu này.
Thủy đậu (phỏng ra, trái rạ) là bệnh dịch thường gặp vào mùa xuân, gây ra bởi loại virus có tên là Varicella Zoster. Bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp, khi người lành hít phải nước bọt do người bệnh thủy đậu ho, hắt hơi, xì mũi. Nếu phụ nữ có thai nhiễm bệnh, sẽ rất dễ lây sang thai nhi, có thể dẫn tới dị tật bẩm sinh sau này.
Người mắc bệnh tùy thể trạng mà bệnh phát nhẹ hay nặng. Ở dạng nhẹ, người bệnh sốt nhẹ hoặc không sốt, ra nước mũi, ho, các nốt đậu mọc rải rác, màu hồng nhạt, gây ngứa ngáy.
Ở dạng nặng, người bệnh sẽ bị sốt cao, buồn phiền, khát nước. Thủy đậu mọc dày, mặt đỏ, miệng, môi khô, hồng, niêm mạc miệng có những nốt phỏng.
Bệnh thủy đậu lành tính nhưng cũng mang nguy cơ biến chứng quan trọng như viêm phổi, viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, viêm gan, viêm não…
Do vậy, việc cách ly, giữ vệ sinh cho người bệnh và nhanh chóng điều trị là rất quan trọng. Ngoài sử dụng thuốc tây y, những loại cây dưới đây thường được y học cổ truyền sử dụng để điều trị thủy đậu.
Lá tre
Lá tre có tác dụng hạ sốt, lợi tiểu, ngoài ra sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt tình trạng ngứa ngáy, thuyên giảm triệu chứng bệnh nhanh chóng.
Người bệnh dùng lá tre (lựa chọn loại sạch và đảm bảo an toàn) đun nước sôi, pha thêm với nước sạch để tắm và lau người.
Dâu tằm và kinh giới
Kinh giới và dâu tằm đều có tác dụng kháng viêm, chống khuẩn, có tính mát nên sẽ thanh nhiệt từ bên trong, giúp hạ sốt, giảm ngứa ngáy khó chịu cho người bệnh. Ngoài ra, kinh giới còn giúp làm khô những vết mụn nhanh chóng.
Hai loại lá này đều được dân gian tin dùng để pha nước lau người hoặc tắm (khi các nốt đậu đã bay), trị thủy đậu.
Cỏ chân vịt
Cỏ chân vịt (cỏ thia lia) theo y học cổ truyền, có tính mát – ôn, thích hợp cho việc thanh nhiệt trong điều trị thủy đậu.
Theo dân gian, cách dùng cỏ chân vịt chữa thủy đậu là: phơi khô cỏ chân vịt (bỏ rễ, hoa), thái nhỏ, sắc với nước uống; đồng thời, đốt cỏ chân vịt thành than, tán nhỏ và xoa, rắc nên chỗ có nốt đậu.
Kết hợp cách trên với tắm nước lá kinh giới sẽ giúp bệnh nhân khỏi hẳn
Lá sầu đâu
Lá sầu đâu cũng có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm ngứa, hồi phục nhanh chóng những tổn thương ở da do các nốt đậu như thu nhỏ vết loét, nhanh liền sẹo.
Người bệnh nên đun sôi nước sầu đâu trong 30 phút, rồi pha với nước sạch và tắm đến khi bệnh khỏi.
Nhật Anh (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN