Cổ nhân dạy 5 việc xấu ở đời, có một điều nhiều gia đình đang phạm phải

Có những đạo lý sống dù trải qua hàng nghìn năm vẫn giữ nguyên giá trị. Năm việc xấu mà cổ nhân khuyên chúng ta nên tránh dưới đây nằm trong số đó.

Có một điển cố khá thú vị như thế này.

Một ngày nọ, quốc vương nước Lỗ thỉnh giáo Khổng Tử: “Ta nghe nói mở rộng phòng ốc về hướng đông là điều không may mắn, việc này có đúng không?”

Giống như chúng ta hiện nay, có rất nhiều người muốn nhờ thầy xem phong thủy, bàn đặt ở đâu mới hợp, giường ngủ phải kê ra sao mới thuận lợi…

Trước câu hỏi của vua nước Lỗ, Khổng Tử đáp rằng: “Tôi nghe nói ở đời có 5 việc xấu, mở rộng phòng ốc về hướng đông không nằm trong số đó”.

Vậy thì 5 việc xấu ở đời mà tượng đài Nho học nổi tiếng Trung Quốc nhắc đến ở đây là gì?

Điều thứ nhất: Hại người lợi mình, bản thân sẽ không may mắn

Theo lời của Khổng Tử, những kẻ chà đạp, hại người khác để mưu lợi cá nhân rồi sẽ tự rước họa vào thân, cuối cùng cũng tự hại mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều thứ hai: Thích nổi danh nhưng bất tài, quốc gia gặp họa

Những người hiền đức, tài năng bị những kẻ bất tài dùng thủ đoạn để bài xích, loại trừ rồi tìm cách đưa mình vào vị trí đó thay thế, đó là cái họa của quốc gia.

Điều thứ ba: Người già không dạy, người trẻ không học, đó là thói xấu ở đời

Có thể hiểu cụ thể hơn là: Người già không muốn dạy bảo người trẻ, người trẻ tuổi ngạo mạn không muốn học hỏi kinh nghiệm từ người già, đây là thói quen xấu, không mang lại điều hay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Coi trọng đạo đức gia đình, người già bảo ban, con trẻ tiếp thu, lắng nghe bề trên vẫn là nét văn hóa được người Nhật Bản duy trì trong xã hội hiện đại ngày nay. Và đó là một trong những bí quyết giúp họ luôn hành xử văn minh trong cuộc sống.

Điều thứ tư: Thánh nhân buông bỏ, người xấu lộng hành, thiên hạ ắt sẽ gặp chuyện không hay

Bậc thánh hiền là những người có trí tuệ và đức hạnh nhưng không được quốc gia trọng dụng. Họ – vì không màng đến danh lợi nên đều tìm cách ẩn cư tránh xa sự đời rối ren.

Trong khi đó, những kẻ kém cỏi ra sức tranh quyền đoạt vị, thao túng, lộng hành. Điều này ắt sẽ khiến xã hội vì thế mà loạn, khó mà hưng thịnh.

Điều thứ năm: Khinh già trọng trẻ, đố là gia đình bất hạnh

Việc bỏ mặc người già không quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng, thay vào đó, dồn hết yêu thương cho trẻ nhỏ, đó là việc xấu, đẩy gia đình vào bất hạnh.

Điều này, sau hàng ngàn năm, cho đến nay vẫn cho chúng ta một bài học về sự giác ngộ. Tại sao lại như vậy?

Hãy lấy một cây đại thụ ra so sánh với mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Quả ngọt của cây là trẻ nhỏ, lá cây là bố mẹ đứa trẻ và gốc rễ của cây là ông bà của đứa trẻ.

Nếu chúng ta hy vọng cây đại thụ đó sống lâu bền, quả, lá sum suê, chúng ta phải lấy nước, chất dinh dưỡng bón vào vị trí nào của cây? Chẳng phải là cần phải bón vào rễ cây sao?

Thế nhưng hiện nay, phần lớn các ông bố bà mẹ trong các gia đình đều đang dùng nước và dinh dưỡng trực tiếp tưới bón lên quả. Kết quả là, những quả đó vì không thể hấp thu chất dinh dưỡng mà trở nên thối hỏng.

Đây chính là lý do vì sao việc giáo dục trẻ em hiện nay xuất hiện nhiều vấn đề bất cập.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có một câu chuyện rất đáng để những người sống trên đời này đọc và ngẫm về đạo làm con.

Có một ông bố tuổi đã cao, đã không còn sức khỏe để lao động. Con cái ông đối xử với bố chẳng ra gì, thường xuyên đánh chửi bố. Thế nhưng khi bị con cái đánh chửi, ông cũng chẳng để yên, cũng đánh chửi lại con khiến nhà cửa vì thế mà lúc nào cũng ầm ĩ.

Cứ như thế, vấn đề chẳng bao giờ được giải quyết.

Có một lần, ông bố này tìm đến một vị bô lão trong làng trình bày nỗi khổ của bản thân: “Con tôi vừa đánh vừa chửi tôi, chúng đối xử với tôi bất hiếu như thế khiến cuộc sống của tôi khổ sở lắm. Tôi phải làm thế nào bây giờ?”

Nghe xong, vị bô lão mới nói: “Tôi hỏi ông một câu, ông phải trả lời thành thật, tôi mới có thể tìm cách giúp ông được.”

– Được, ông cứ hỏi đi, tôi nhất định sẽ trả lời thành thật.

– Xin hỏi trước đây ông đối xử với bố mẹ ông thế nào?

Bị hỏi một câu, ông bố thoảng vẻ xấu hổ: “Tôi đối xử với bố mẹ giống như các con tôi đang đối xử với tôi bây giờ”.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc đến đây có lẽ đã rõ! Vị bô lão tiếp tục lên tiếng: “Chính vì ông đối xử không hiếu thuận với song thân nên giờ đây con cái mới không hiếu kính với ông.

Đây là luật nhân – quả rồi, ông không trách ai được. Ông nên về nhà, cứ để chúng đánh ông, đừng đánh trả, rồi mọi việc sẽ được giải quyết.”

Ông bố nghe lời khuyên, trở về nhà và lại bị con cái mắng nhiếc. Thế nhưng lần này, ông ta không mắng lại. Ngay cả khi bị con trai đánh, ông ta cũng ngồi yên chịu trận, thậm chí trên mặt còn hằn rõ sự xấu hổ.

Người con trai lấy làm lạ lắm. Một hôm, anh ta hỏi bố: “Trước đây tôi đánh, mắng ông, ông đều đánh mắng lại tôi. Vậy tại sao bây giờ ông không đáp trả?”

Ông bố đáp: “Vì trước đây bố cũng đánh, mắng bố mẹ mình nên bây giờ bố phải gánh hậu quả. Bố nghĩ thông rồi, bố sẽ không đánh mắng, đối đầu với con nữa.”

Người con nghe vậy cũng như tỉnh ngộ, quỳ xuống xin lỗi bố. “Con sai rồi, sau này con sẽ không đối xử với bố như thế nữa.”

Hãy ngẫm xem, con cái chúng ta đang đối xử với chúng ta thế nào? Phải chăng đó cũng chính là cách mà chúng ta đã đối xử với cha mẹ mình?

Đọc và ngẫm 5 điều không may mắn mà Khổng Tử dạy, hẳn nhiều người trong chúng ta đã ngộ ra rằng, chúng ta chưa may mắn, không phải do vận mệnh hay phong thủy chưa tốt, mà là vì bản thân ta chưa nói không được với những việc xấu ở đời.

Cổ nhân xưa nói rằng: “Phúc nhân cư phúc địa, phúc địa phúc nhân cư”, ý nói rằng một nơi vốn dĩ có phong thủy không được tốt, người phúc đức đến sinh sống một khoảng thời gian, nơi đó phong thủy tự nhiên sẽ thay đổi và trở thành mảnh đất may mắn.

Và ngược lại, nếu một mảnh đất được cho là có thế phong thủy nhưng người ở đó không có đức hạnh, dù có thay đổi thế nào, phong thủy cũng chẳng thể tốt hơn.

Muốn gặp may mắn trong cuộc sống, việc cần làm không phải là đi tìm thầy phong thủy mà hãy bồi dưỡng, vun đắp cho chính bản thân những phẩm đức tốt đẹp, từ bỏ những việc xấu, may mắn ắt sẽ đến.

Theo Tri thức trẻ

*****
*****

Muốn nhìn thấu một người, đơn giản chỉ cần nhìn vào 6 điểm sau đây

Trong cuộc sống hay trong công việc, đôi khi những quyết định quan trọng của bạn chịu ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Vậy làm thế nào để nhìn thấu một người, làm thế nào để phán đoán và đánh giá chính xác về một người nào đó?

Cách làm đơn giản nhất là nhìn vào những dấu ấn của họ như thành tích, sự nghiệp, địa vị xã hội, chức vụ công việc…Những yếu tố này là một phương diện để đánh giá một người, nhưng không thể phản ánh tất cả diện mạo cũng như tư chất của họ. Bởi chính những nhân tố nhỏ bên trong mới phản ánh thiết thực nhất bản chất của một người.

Dưới đây là 6 yếu tố giúp bạn có được cái nhìn sâu sắc về một người, chúng ta hãy cùng tham khảo.

1. Tỷ lệ thời gian giữa lắng nghe và biểu đạt

Nếu một người dành trên 60% thời gian cho việc biểu đạt so với việc lắng nghe, vậy thì bạn nên thận trọng khi tiếp xúc với họ. Nghe ít nói nhiều thường là biểu hiện của một người tự cao tự đại, xem thường người khác, không có chí cầu tiến, không muốn học hỏi từ mọi người, hoặc giả không tự tin khi đứng trước người khác dẫn tới việc nói năng mất kiểm soát.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

2. Là người toả ra năng lượng hay là người thu hút năng lượng?

Có một kiểu người luôn mang theo trường năng lượng tiêu cực, khiến những người xung quanh cảm thấy chán nản, bi quan. Điều đáng tiếc là xung quanh chúng ta vẫn luôn tồn tại kiểu người này.

Còn một kiểu người khác mang năng lượng chính diện, lạc quan yêu đời. Cổ ngữ có câu: “Tặng người hoa hồng, tay giữ hương thơm”, ý nói rằng: Mang điều tốt đẹp đến cho người khác thì bản thân cũng được may mắn, ví như mang hoa hồng tặng cho người thì tay mình cũng lưu lại hương thơm.

Khi tiếp xúc với những người có năng lượng chính diện, từ bi, hòa ái, thì những người xung quanh sẽ cảm thụ và cùng cộng hưởng để trường năng lượng tích cực ấy ngày một lớn hơn.

3. Là người có xu hướng hành động hay phản kháng?

Có nhiều người khi tiếp nhận một công việc mới thì lập tức có thái độ phòng thủ, phản kháng. Còn một kiểu người khác, khi tiếp nhận một công việc mới thì lập tức hành động, tìm hiểu vấn đề, và giải quyết vấn đề. Chúng ta nên tiếp xúc nhiều với kiểu người thứ hai này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

4. Là người cho bạn cảm giác chân thành đáng tin hay cảm giác dễ chịu?

Đó là người vì muốn để lại ấn tượng nên thường hay dùng lời lẽ dễ nghe để tán dương bạn, đây là kiểu người không nên đặt niềm tin. Người thực sự đáng tin cậy không bao giờ nịnh nọt, họ không cần phải dùng thủ đoạn để lấy cảm tình của người khác. Bởi họ dám sống với chính mình nên cũng khiến mọi người xung quanh thêm gần gũi và muốn hợp tác với họ nhiều hơn.

5. Cách ứng xử của họ như thế nào?

Khi tôi tuyển dụng một vị trí quan trọng trong công ty, một đối tác làm ăn chỉ cho tôi cách nhìn người như thế này: Hãy mời họ cùng với vợ hoặc chồng, hoặc là người thân nào đó của họ, đến dự một bữa tiệc, tham gia một buổi dã ngoại hoặc một hoạt động nào đó.

Đây chính là thời điểm mà bạn có thể quan sát họ được toàn diện nhất; hãy xem họ có hoà đồng với mọi người không, có sức hấp dẫn với người xung quanh không, và khi xảy ra vấn đề thì cách xử lý tình huống của họ như thế nào?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

6. Họ đối đãi như thế nào với người lạ?

Hãy quan sát xem họ đối xử với người lạ như thế nào. Tôi từng đóng thân phận một người phục vụ, cụ thể là một người tài xế, để xem người mình cần tuyển dụng có đối xử thân thiện và hào phóng hay không? Có thể giao tiếp bình đẳng với một người phục vụ, một người tài xế hay không? Hoặc giả người này có thái độ bề trên, coi thường, phân biệt tầng lớp hay không?

Theo Tinhhoa.net

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.