Việt Nam đang sở hữu loại quả được coi là “cứu tinh” của cả thế giới
Đó chính là quả mít – loại quả có thể cứu đói cả triệu người trên thế giới.
Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cùng hệ lụy từ những hành vi thiếu ý thức của con người đang gây ra sự thiếu hụt nhanh chóng nguồn lương thực, thực phẩm.
Vậy mà ở ngay chính đất nước ta lại đang “chứa chấp” một loại quả có thể cứu đói cho hàng triệu người đấy. Đó chính là mít. Tại sao lại thế nhỉ?
Sự thật là …
Về dinh dưỡng, mít “không phải dạng vừa đâu”
Không đơn giản khi mít được coi là một ứng cử viên quan trọng cho việc “lấp đầy” dạ dày của cả thế giới” đâu nhé. Mít chứa một lượng chất dinh dưỡng và calorie “khổng lồ” – chỉ 2 múi mít thôi mà đã chứa tận 95 calo.
Chưa kể mít chín có thể đạt trọng lượng khoảng từ 4,5 – 5 kg. Mỗi mũi mít thơm lừng đều chứa một lượng lớn protein, kali, canxi và sắt.
Theo nghiên cứu của tờ báo sức khỏe eHealthzine, trong 15gram mít có chứa 2,8 gram protein, 739mg kali, 1 gram chất béo, 38 gram carbonhidrat, 25% lượng vitamin B cũng như 37% lượng vitamin C cần cho một ngày!
Các chất dinh dưỡng trong mít còn có thể giúp ngăn ngừa ung thư, tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa, giảm cholesterol, tăng cường hệ cơ xương nữa cơ.
Không chỉ là một loại quả “thần kỳ”, các bộ phận của mít bao gồm thân cây, lá đều có những tác dụng nhất định. Lá mít có thể sử dụng làm thức ăn cho dê, gia súc, đồng thời chữa sốt, mụn nhọt và các bệnh ngoài da. Với vỏ cây, công dụng chủ yếu là điều chế thuốc nhuộm màu da cam thường thấy trên áo của các nhà sư.
Vì sao mít được xem là vị cứu tinh của thế giới?
Lí do là mít có thể dễ dàng sống ở rất nhiều môi trường khác nhau, có khả năng chống chọi sâu bệnh và nhiệt độ cao, chịu hạn tốt. Khi cây trưởng thành, chúng ta không cần chăm sóc nhiều.
Tức là kể cả trong hoàn cảnh khí hậu thay đổi, mít cũng sẽ là một trong những loại cây tồn tại được. Nước Mỹ cũng đã bắt đầu nhân giống thành công một số giống mít tại bang Florida rồi.
Trung bình phải mất 5-7 năm cho một cây mít ra trái. Nhưng bù lại, cây mít khi trưởng thành hoàn toàn có thể sản xuất 150-200 trái mít một năm. Một con số đáng kinh ngạc!
Theo Padre – BTV của tạp chí Adike Patrike tại Ấn Độ, người khá quan tâm tới chủ đề liên quan đến mít ước tính, nông dân Ấn Độ có thể kiếm được khoảng 151 USD/cây mít. Con số này bao gồm sản phẩm chính là trái mít và các bộ phận khác đi kèm.
Xứng danh “loại quả có vị thịt lợn”
Tùy thuộc vào gia vị được sử dụng, mít có thể được “hô biến” thành những loại thịt giả. Nghe thì có vẻ “hư cấu” nhưng chỉ một cú click chuột trên Printerest, hàng tá công thức nấu ăn về mít sẽ xuất hiện.
Nào là trâu nhúng, bánh mì kẹp Reuben, bánh cua, phô mai nướng, … tất cả đều không phải thịt mà là sự sáng tạo thịt từ mít. Bạn có thể đặt mít trong các món salad, bánh nướng và các món tráng miệng khác!
Hay không ở đâu xa ngay chính đất nước chúng ta, mít là đặc sản cực kỳ gần gũi với tất cả người dân nông thôn. Ở Huế có món mít trộn với tôm, hành, nước mắm ăn kèm với bánh tráng nướng.
Quả mít non có thể sử dụng như rau để nấu canh, kho với cá, xào với thịt, làm gỏi. Xơ mít có thể dùng làm dưa muối gọi là nhút. Món này làm từ xơ mít chín hoặc từ quả mít xanh.
Hạt mít cũng ăn được và có giá trị dinh dưỡng nhất định. Hột có thể đem rang, luộc, hoặc hấp. Trước khi ăn thì bóc lớp vỏ mỏng bên ngoài; có mùi thơm và vị bùi.
Quả thật, Việt Nam chúng ta đang sở hữu một món quà tự nhiên vô cùng quý giá đối với nhân loại mà có lẽ ít người để ý tới.
Theo Soha
Dân Nghệ An đổ xô đi xem cây mít kỳ lạ, bị chặt tận gốc vẫn ra quả chi chít
Những ngày qua, người dân ở “xứ nhút” Thanh Chương, Nghệ An xôn xao về một gốc mít lạ, thân cây bị chặt cách đây 1 năm, nhưng quả rất nhiều từ gốc.
Gốc mít có sức sống mãnh liệt trên là của gia đình bà Nguyễn Thị Thủy ở xóm 3, xã Thanh Chi (huyện Thanh Chương, Nghệ An). Gốc mít này nằm ở phía sau vườn nhà, nơi giáp ranh giữa nhà bà Thủy và nhà bố mẹ chồng.
Điều đặc biệt là gốc cây chỉ cao 30 cm, đường kính 20 cm, không có cành, nhưng quanh gốc mít ra rất nhiều quả.
Theo quan sát, hiện quanh gốc còn 12 quả, cả to lẫn nhỏ. Mỗi chùm có 1 đến 3 quả, quả to nhất có kích thước bằng quả bóng đá. Theo bà Thủy, lúc đầu, gốc mít có hàng chục quả nhỏ, sau đậu 16 quả và có 4 quả đã chín, được gia đình bà cùng những người láng giếng hái ăn.
Bà Thủy cho biết, gốc mít này vốn là một cây mít bở (mít mật), được bố chồng bà là ông Nguyễn Nghĩa Võ (84 tuổi) trồng cách đây khoảng 20 năm.
Tháng 2/2016, nhà bà Thủy thuê máy múc về hạ độ cao của vườn xuống 1,5 m. Xung quanh gốc mít bị đào hết đất.
Tháng 4/2016, gia đình bà Thủy chặt cây mít này. Đến mùa thu, từ gốc mít đã mọc lên những chồi non, xanh tươi. Lúc các nhành cây cao gần 1 m thì bị một số người trong làng đến cắt về cho dê ăn. Gốc mít lại trọc như cũ.
Kỳ lạ là đầu năm 2017, khi mùa mít ra quả, quanh gốc mít này bỗng xuất hiện hàng chục quả, vây tròn. Bà Thủy cho hay: “Cứ tưởng gốc mít ra quả giả vậy thôi, ai ngờ các quả mít đều đậu và lớn bình thường như những cây mít khác. Những quả mít đã chín, hái ăn, múi vẫn to, ngọt như các quả mít khi chưa chặt cây.
Gốc mít không thân, cành, nhưng sai quả của nhà bà Thủy đã trở thành chuyện lạ ở vùng quê này. Thời gian qua, người địa phương và nhiều người hiếu kỳ ở khắp nơi, nghe chuyện gốc mít ra quả cũng đổ xô đến nhà bà Thủy để xem, chụp ảnh.
Anh Đậu Bá Tới (24 tuổi), sinh viên trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân cho biết: “Tôi thấy gốc mít lạ ở chỗ, gốc trọc trụi mà vẫn ra nhiều quả, quả vẫn lớn. Gốc cây không có thân, cành và ít lá thì làm sao quang hợp để tổng hợp chất hữu cơ, mà quả vẫn lớn vậy”.
Từ khi gốc mít lạ ra quả, nhà bà Thủy được nhiều người tìm đến. Bà cho biết thêm: “Từ bữa có thanh niên trong làng đăng hình ảnh lên mạng, người đến nhà tui xem mít rất đông, có khi ban đêm cũng có người đến quay phim, chụp ảnh…”.
Bà Nguyễn Thị Lâm (61 tuổi), người dân trong làng, khẳng định: “Gốc mít trọc trụi mà ra quả nhiều như ri là chuyện lạ ở đây, khi nhỏ tới giờ tui mới thấy”.
Giữa ngày mùa bận rộn, nhiều người dân “xứ nhút” vẫn dành thời gian đi xem gốc mít lạ và chụp ảnh làm kỷ niệm.