Lứa tuổi tiểu học, ngoài tri thức có 7 điều nhất định phải dạy trẻ
Các bậc phụ huynh luôn hy vọng con cái của mình sẽ học hành tiến bộ và xuất sắc. Có rất nhiều cha mẹ quan niệm rằng, thành tích học tập của con là điều quan trọng nhất.
Tuy nhiên, đối với trẻ ở giai đoạn tiểu học, thành tích học tập chỉ là một phần, và điều quan trọng hơn là sự trưởng thành của trẻ.
Đối với một đứa trẻ, phẩm chất tốt, thói quen sinh hoạt tích cực là điều rất trọng yếu. Nếu không có những đức tính này, đứa trẻ dù có thành tích thế nào thì liệu có thành công? Cho nên ngoài việc động viên con trẻ học tập tốt thì vấn đề thiết yếu là việc giáo dục nhân cách của trẻ.
Sau đây là 7 điều nên giáo dục cho trẻ để con trưởng thành hơn cả về trí tuệ lẫn nhân cách:
1. Cho trẻ biết cần phải làm 2 việc: Việc phải làm và việc muốn làm!
Cuộc đời của mỗi một người cũng chỉ có 2 việc đó, chính là việc nên làm và việc muốn làm. Chỉ khi làm xong việc phải làm thì mới có thể đi làm việc mình muốn làm.
Bình thường chúng ta thường nghe bọn trẻ oán giận những câu như: “Con không muốn đi học” hoặc “Con không muốn làm bài tập, con muốn đi chơi”… Chúng chỉ biết làm bài tập, học bài thật là mệt, nhưng lại không biết rằng nếu làm xong bài tập, học xong bài thì sẽ có nhiều thời gian để chơi đùa, có thể làm điều mình muốn.
Vì vậy, cha mẹ cần phải giảng giải cho trẻ biết mối liên hệ giữa việc cần làm và việc muốn làm. Cũng như đối với người lớn, công tác là việc phải làm, du lịch là việc muốn làm, nhưng chỉ có đi làm công tác kiếm được tiền thì mới có thể đi du lịch như mong muốn.
2. Khi học cần phải tích cực phát biểu
Từng có vị phụ huynh nói rằng, con tôi rất thông minh, nhưng do ít nói chuyện nên bạn bè không nhiều lắm, thầy giáo cũng ít để ý đến nó. Thật ra có rất nhiều vị cha mẹ đều có con lâm vào tình trạng như vậy, trẻ có nhiều ưu điểm nhưng lại trầm tính ít nói.
Thời đại ngày nay đòi hỏi phải có khả năng biểu đạt, nếu một đứa trẻ có thể mạnh dạn phát biểu, diễn đạt được những suy nghĩ của cá nhân về vấn đề nào đó thì đứa trẻ ấy sẽ dễ được chú ý. Hơn nữa, điều này cũng giúp trẻ dần tự tin hơn.
Có rất nhiều đứa trẻ vốn rất thông minh nhưng lại không thành công, nguyên nhân chính là do chúng thiếu dũng khí, không dám đột phá chính mình. Muốn cho trẻ đột phá chính mình thì cha mẹ hãy cổ vũ, khích lệ chúng giơ tay phát biểu. Mặc dù đây là một việc nhỏ nhưng lại có thể giúp cho đứa trẻ đề cao năng lực biểu đạt và sự tự tin.
3. Dạy trẻ biết nói lời cảm ơn
Hiện nay các bậc cha mẹ đều vô cùng cưng chiều con cái, đối xử với chúng như là những cục cưng, phục vụ “nước đưa tận tay, cơm đưa tận miệng”. Đối đãi như vậy, trẻ sẽ xem đây là điều hiển nhiên mà chúng có được, và không biết cần phải cảm ơn. Như vậy khi lớn lên chúng sẽ trở nên ích kỷ, ngang ngược, giao tiếp không tốt.
Cần phải cho trẻ biết không có ai có nghĩa vụ phải giúp đỡ chúng, giúp đỡ là vì tình cảm muốn giúp chứ không phải bổn phận phải giúp. Dạy cho đứa trẻ biết khi có người khác giúp đỡ chúng, cho dù là việc nhỏ nhặt thì cũng phải nói lời cảm ơn.
4. Không phải tất cả mọi người đều yêu thích chúng
Mỗi một người đều không thể nào khiến cho tất cả mọi người đều hài lòng về mình, cần để cho trẻ phải hiểu rõ về vấn đề này. Có người không hài lòng về mình, đây là điều bình thường, không nên vì người khác phê bình mà trở nên mất tự tin, cũng không nên vì người khác khen ngợi mà đắc chí. Chỉ cần bản thân mình đi cho ngay chính, ngồi cho ngay ngắn, kiên trì làm người chính trực thiện lương, thì ắt sẽ có bạn bè chân thành.
5. Trẻ nhỏ phải biết rộng lượng, chia sẻ với nhau
Mỗi một con người đều có phần ích kỷ, đều muốn giấu đồ tốt cho riêng mình. Chúng ta cần phải tập cho trẻ biết chia sẻ trong khi giao tiếp với mọi người, nếu không sau này sẽ gặp nhiều khó khăn trong xã hội.
Cha mẹ cần nói cho trẻ hiểu, ví như: Con đi nhà bạn chơi, thấy bạn có đồ ăn ngon cũng hy vọng bạn mời con ăn, bạn có đồ chơi đẹp cũng muốn bạn cho chơi chung đúng không? Cho đứa trẻ biết, mình hy vọng bạn bè đối đãi thật tốt với mình, thì bạn bè cũng hy vọng mình như thế.
6. Cần phải biết chấp nhận thất bại
Cha mẹ thỉnh thoảng khen con vài câu: “Con giỏi quá”, “con thật lợi hại”, như vậy có thể giúp con tự tin, nhưng đồng thời cũng dễ dàng làm cho đứa trẻ tự kiêu. Trên con đường trưởng thành, có rất nhiều sự việc cần phải có kinh nghiệm, vì vậy việc thất bại cũng là chuyện đương nhiên. Nhưng cần biết rằng sau khi thất bại mà khóc lóc, oán trách đều vô dụng.
Một đứa trẻ kiên cường là biết chấp nhận thất bại, biết rút ra bài học sau thất bại đó.
7. Gặp bất cứ chuyện gì cần phải nói cho ba mẹ biết
Có rất nhiều đứa trẻ chỉ nói cho ba mẹ biết những chuyện vui vẻ mà giấu đi những chuyện không vui. Trẻ sợ ba mẹ lo lắng, trách mắng nên luôn giữ trong lòng, như vậy lâu ngày sẽ xuất hiện vấn đề nghiêm trọng. Cho nên cần phải giúp trẻ biết rằng cha mẹ là người yêu thương chúng vô điều kiện, vì vậy dù bất cứ có chuyện gì xảy ra thì cha mẹ cũng sẽ là người quan tâm và ủng hộ chúng.