4 bí quyết sống thọ của bác sĩ Nhật 105 tuổi Shigeaki Hinohara ai cũng nên “bỏ túi”
Bác sĩ Shigeaki Hinohara (4/10/1911 – 18/07/2017) là một trong những bác sĩ hành nghề lâu năm nhất thế giới và được người Nhật tôn vinh là huyền thoại y học. Ông là một trong những người trường thọ nhất.
Năm 1941 ông bắt đầu hợp tác lâu dài với Bệnh viện Quốc tế St. Luke ở trung tâm Tokyo và làm việc trong suốt giai đoạn chiến tranh cho đến năm 1970. Từ năm 1990, ông trở thành giám đốc của bệnh viện, vào năm 1994 ông đã cho lắp đặt hệ thống ống oxy khắp các phòng bệnh trong bệnh viện để chuẩn bị cho những tình huống nghiêm trọng xảy ra. Năm 2000, hệ thống oxy này đã thực sự cứu được rất nhiều người trong vụ tấn công bằng chất độc Sarin trên tàu điện ngầm ở Tokyo.
Ông còn là chủ tịch danh dự của Quỹ Sasakawa Memorial Health Cooperation. Bác sĩ Hinohara được tín nhiệm với việc thiết lập và phổ biến hệ thống khám sức khoẻ thường niên của Nhật Bản từ năm 1954, giúp người dân Nhật phòng bệnh và trở thành một trong những quốc gia sống thọ bậc nhất. Ông cũng trở thành thành viên danh dự của Hiệp hội Tim mạch Nhật Bản vinh dự nhận học vị tiến sĩ danh dự tại Đại học Kyoto Imperial, Đại học Thomas Jefferson và Đại học McMaster.
Bác sĩ Hinohara còn viết hơn 150 quyển sách, trong đó quyển “Living Long” đã được bán hơn 1,2 triệu bản. Mỗi năm ông còn thực hiện hơn 100 buổi diễn thuyết trên khắp nước Nhật và cả ở nước ngoài.
Ông đã chia sẻ với mọi người những bí quyết để sống thọ:
Vui vẻ, hài hước sẽ mang đến nguồn năng lượng tích cực
Theo ông, nguồn năng lượng đến từ sự vui vẻ, hạnh phúc lớn hơn rất nhiều lần so với năng lượng đến từ thực phẩm hay từ giấc ngủ của chúng ta. Ông nói: “Chúng ta thỉnh thoảng có thể ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giờ nhưng chúng ta nhất định phải phải luôn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Dù ở độ tuổi nào đi nữa, mọi người đều cần có thái độ sống rõ ràng, dồn hết thời gian và tâm trí cho những việc quan trọng để có thêm động lực trong cuộc sống.”
Giữ cân nặng ổn định
Bác sĩ Hinohara luôn căn dặn bệnh nhân của mình chú ý đến cân nặng, không nên để thừa cân và cân bằng trong việc ăn uống. Ông chia sẻ: “Không ai có thể thọ khi cơ thể họ thừa cân. Bản thân tôi luôn cố gắng duy trì cân nặng ở mức 60kg bằng chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường vận động”.
Ông có những nguyên tắc trong ăn uống: Không ăn no quá 8 phần, không ăn quá nhiều đồ ngọt, nếu bữa nay ăn nhiều hơn thì bữa sau ăn ít đi một chút. Thực đơn một ngày của ông rất thanh đạm.
Bữa sáng: Một cốc nước trái cây trộn với một thìa dầu oliu, một cốc sữa đậu nành, một quả chuối, thỉnh thoảng dùng thêm một cốc cà phê.
Bữa trưa: Ông có thói quen ăn rất ít vào buổi trưa, chỉ vài miếng bánh quy và một cốc sữa tươi.
Bữa tối: Thực đơn tối của ông phong phú và bổ dưỡng hơn với những món ăn làm từ cá và rau củ thay đổi luân phiên, trong một tuần ông sẽ ăn hai bữa thịt bò không dầu mỡ vào buổi tối. Ông đặc biệt ưa thích rau diếp và cải xanh.
Bên cạnh việc ăn uống lành mạnh, ông còn rất chăm chỉ tập thể thao vào buổi sáng và buổi chiều, ông kiên trì chạy bộ và thường xuyên không sử dụng thang máy.
Bác sĩ không thể cứu được tất cả mọi người
Hãy tự quan tâm chăm sóc cho sức khỏe của mình, để nhận thấy từng thay đổi trong cơ thể mình dù là nhỏ nhất. Các bác sĩ không thể hiểu rõ cơ thể chúng ta hơn chính bản thân chúng ta, và đôi khi cách điều trị của họ có thể gây ra các đau đớn không cần thiết cho bệnh nhân.
Mỗi người có một thể trạng khác nhau, không thể áp dụng máy móc chế độ sinh hoạt, ăn uống của người khác cho bản thân mà bạn cần phải tự tìm kiếm một phương thức phù hợp với thói quen và tình trạng sức khỏe của mình.
Bác sĩ Hinohara cũng khuyên con người không nên quá sợ hãi khi đối diện với việc cơ thể ngày càng già đi, cái chết đang đến gần. Mà thay vào đó, chúng ta cần nuôi dưỡng tinh thần sống lạc quan, sống cho đến ngày cuối cùng, trân trọng từng ngày được sống.
Đừng quan tâm tuổi tác, hãy học những điều mới
Bác sĩ Hinohara có quan niệm “luôn làm mới mình mới khiến bản thân không già nua”. Ông bắt kịp xu hướng mới rất nhanh trong thời đại công nghệ và thường xuyên đăng tải những bài viết trên trang cá nhân và blog của mình.
Ông luôn cổ vũ những người cao tuổi học hỏi những điều mới mẻ, khuyến khích tinh thần ham học hỏi ở mọi người. Ở tuổi 88, ông đã trở thành một nhà biên kịch sau khi chuyển thể một quyển sách hay mà ông đã đọc thành một vở nhạc kịch. Không dừng ở đó, ông còn tiếp tục học vẽ tranh, chỉ huy dàn nhạc và các kiến thức khác nữa ở tuổi ngoài 100.
Sự nhiệt huyết trong cuộc sống, luôn muốn thử nghiệm những thứ mới khiến cho bác sĩ Shigeaki Hinohara lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, khỏe mạnh và trường thọ.
* Theo trithucvn