Cho tôi xem “giấy chứng nhận làm người”
Chướng tai gai mắt với hành động “xem giấy chứng nhận, không xem người” của cô soát vé, một ông lão nói rằng: “Cô là người ư? Cô đưa ‘giấy chứng nhận làm người’ của cô ra xem nào”, làm mọi hành khách cười ầm lên…
Trên đoàn tàu, cô soát vé xinh đẹp nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi đi làm thuê. Cô nói cộc lốc:
“Soát vé!”
Người đàn ông vội vàng lục khắp người từ trên xuống dưới một hồi lâu với vẻ mặt lo lắng. Cô soát vé bực tức quát:
“Đã dặn là cầm sẵn vé để soát cho nhanh rồi. Ông làm mất nhiều thời gian của tôi quá rồi đó.”
Cuối cùng ông cũng tìm thấy vé, nhưng đôi tay cứ run run không muốn đưa ra. Cô soát vé liếc nhìn rồi lại lớn tiếng:
“Ðây là vé trẻ em.”
Người đàn ông đứng tuổi đỏ bừng mặt, lí nhí nói:
“Tôi là người tàn tật. Vì vé trẻ em bằng giá vé người tàn tật nên tôi đã mua nó.”
Cô nhìn người đàn ông với ánh mắt soi xét hồi lâu rồi hỏi:
“Anh là người tàn tật sao? Yêu cầu anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.”
Người đàn ông có vẻ căng thẳng, ông lắp bắp:
“Tôi… không có giấy tờ. Lúc tôi đi mua vé, cô bán vé cũng bảo tôi phải đưa giấy chứng nhận tàn tật. Tôi không biết phải làm thế nào nên đã mua vé trẻ em.”
Cô soát vé gằn mặt xuống :
“Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được ông là người tàn tật?”
Người đàn ông đứng tuổi im lặng, ông lặng lẽ cúi xuống vén ống quần lên: ông chỉ còn một nửa bàn chân.
Cô soát vé liếc nhìn với vẻ mặt lạnh lùng rồi nói tiếp:
“Cái tôi cần xem là chứng từ, tức là quyển sổ có in chữ “Giấy chứng nhận tàn tật”, đóng con dấu đỏ của Hội người tàn tật, chứ không phải thứ này.”
Mặt ông bắt đầu đỏ mặt, hai mắt ngân ngấn nước:
“Giấy tờ tùy thân của tôi đã mất cả rồi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra tai nạn, ông chủ đã bỏ chạy, tôi không có tiền đến bệnh viện giám định. Xin cô thông cảm cho, để tôi được về quê ăn tết với gia đình.”
Cô soát vé không nói thêm lời nào, quay đi gọi trưởng tàu đến giải quyết. Vị trưởng tàu nghe tin, liền vội vã đi nhanh về phía người đàn ông tội nghiệp.
Mắt đỏ hoe, ông run run chỉ cho vị trưởng tàu bàn chân của mình và thuật lại câu chuyện một lần nữa. Vị trưởng tàu trầm ngâm hồi lâu rồi nói: “Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật thì mới là người tàn tật. Phải có giấy này mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Ông hãy mau mau mua vé bổ sung.”
Người đàn ông bỗng thẫn thờ, ông lục khắp lượt các túi trên người và hành lý gom góp tiền rồi cẩn thận đếm từng tờ. Tất cả chỉ có vẻn vẹn hơn 50 ngàn đồng, không đủ mua vé bổ sung. Ông đưa mắt nhìn vị trưởng tàu và cô gái, vẻ mặt họ vẫn lạnh như băng. Ông bật khóc: “Sau khi bàn chân bị máy cán đứt một nửa, tôi không đi làm được nữa. Không có tiền, ngay cả về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng là do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm. Xin ông hãy mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.”
Trưởng tàu vẫn kiên quyết nói: “Không được.” Người đàn ông bất lực ngồi phục xuống, những giọt nước mắt lã chã rơi trên khuôn mặt nhăn nheo rám nắng, người ông rung lên theo những tiếng nấc tức tưởi, mếu máo nói: “Tôi thực sự không còn cách nào nữa. Tiền cũng không đủ. Bây giờ ông muốn tôi làm gì cũng được.”
Thừa dịp đó, cô soát vé nói:
“Hay là bắt ông ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.”
Nghĩ một lát, trưởng tàu gật đầu đồng ý:
“Cũng được.”
Ông lão ngồi đối diện đã chứng kiến toàn bộ câu chuyện, cảm thấy vô cùng bất bình. Ông đứng lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi:
“Anh có phải đàn ông không?”
Vị trưởng tàu tỏ ra khó hiểu, hỏi lại:
“Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?”
“Anh hãy trả lời đi. Anh có phải đàn ông hay không?” Ông lão kiên quyết.
“Ðương nhiên tôi là đàn ông rồi.”
“Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh hãy đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem.”
Mọi người chung quanh cười rộ lên. Người trưởng tàu thẫn mặt, giận đến tía tai, nói lớn:
“Một người đàn ông cao lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là giả?”
Ông lão lắc đầu, ôn tồn nói :
“Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người. Nếu anh có giấy chứng nhận đàn ông thì là đàn ông, không có thì không phải.”
Vị trưởng tàu cứng lưỡi không biết ứng phó ra sao. Ông ta cứ lắp bắp mãi không nói nên được câu nào. Thấy vậy, cô soát vé vội đứng ra giải vây, cô nói với ông lão:
“Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì thì ông cứ nói với tôi.”
Ông lão thành chỉ thẳng vào mặt cô ta:
“Cô hoàn toàn không phải người!”
Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành rồi hét lên:
“Tôi yêu cầu ông ăn nói tử tế một chút. Tôi không là người thì là gì?”
Ông lão vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh và nói:
“Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận làm người của cô ra xem nào.”
Mọi người lại cười ầm lên một lần nữa. Cô soát vé và trưởng tàu đỏ mặt không nói được lời nào, quay lưng đi thẳng. Người đàn ông cúi xuống, lau vội những giọt nước mắt đang đầm đìa trên khuôn mặt.
Cuộc sống hiện đại có quá nhiều bộn bề, lo toan, khiến tâm hồn con người trở nên cằn cỗi. Họ ít lắng nghe và dành nhiều thời gian để yêu cầu người khác. Họ ít đồng cảm và dành nhiều quan tâm cho những nguyên tắc khô khan, cứng nhắc. Để bảo vệ chính mình và những lợi ích cá nhân, nhiều người không ngại ngùng làm tổn thương người khác, họ hoàn toàn trở nên ích kỷ một cách khó chấp nhận. Thế nhưng, nếu cứ tiếp tục như vậy, cuộc đời còn điều gì là ý nghĩa? Chẳng phải chúng ta sống là tìm kiếm hạnh phúc sao? Với một trái tim vô cảm, liệu có thể tìm thấy được nó chăng?
Thực ra, hạnh phúc vốn rất đơn giản, nhưng có lẽ vì đơn giản quá mà chúng ta lãng quên. Đôi khi, chỉ cần nghĩ đến người khác một chút, thông cảm cho người khác một chút, bạn có thể mang đến niềm hy vọng mới cho họ và cho cả chính bạn. Bởi vì, khi gieo những hạt giống thiện lành cho cuộc đời, tâm hồn bạn sẽ trở thành một vườn hoa rực rỡ, ngập tràn những sắc màu tươi mới với ánh nắng chan hòa ấm áp; và khi đó, chắc chắn hạnh phúc sẽ tìm đến bạn như chú chim tìm đến miền đất lành.
Linh An