Khi nước mắt ngừng rơi, đàn bà tàn nhẫn hơn bao giờ hết
Khi buồn, đàn bà sẽ khóc. Còn khóc tức mọi việc còn cứu vãn được. Nếu nước mắt ngừng rơi, họ sẽ trở nên tàn nhẫn hơn bao giờ hết.
Chồng tôi thường nổi đóa mỗi khi anh nhìn tôi khóc. Anh bảo, ghét không chịu được. Đồ đàn bà, hở ra là khóc, trông bực lắm. Anh bảo, đàn bà thì không có quyền yếu đuối. Khóc là yếu đuối. Anh còn bảo tôi làm gì cũng được, nhưng đừng bao giờ khóc trước mặt anh.
Chồng tôi có lẽ là kẻ vô tâm nhất trái đất này, trong khi tôi một mình chăm con ốm thì anh ở tận đẩu tận đâu chén tạc chèn thù với đám chiến hữu, về nhà say khật khưỡng nôn ói ra đầy nhà, bắt tôi phải dọn. Tôi tức giận khóc lóc thì anh gào lên: “Khóc khóc cái gì lúc nào cũng khóc”. Đã không xin lỗi hay an ủi tôi, anh lại còn nói những lời cạn tàu ráo máng khiến trái tim tôi đau nhói, nước mắt không ngừng tuôn rơi.
Mỗi lần vợ chồng cãi nhau vì những lý do cỏn con, như việc cho con ăn, tôi sợ con ốm thì ép con ăn, còn chồng thì bảo kệ con, đói khắc nó ăn, tôi đã để con nhịn đói suốt ngày nhưng chẳng thấy nó khóc đòi ăn gì cả, lúc này thì đành đến bữa phải ép con ăn . Vậy mà chồng cũng đùng đùng giận dỗi. Anh còn bảo, tự làm tự chịu chứ đừng than thở. Tôi ấm ức lắm, lúc đó không hiểu sao nước mắt lại rơi lã chã. Cả hai vợ chồng đều đi làm, vậy mà việc chăm con, việc nhà anh gần như khoán trắng cho vợ, đã thế lại còn lên giọng này kia.
Chồng tôi sẵn sàng chạy hàng chục ki lô mét để đến giúp đỡ một người bạn, nhưng anh lại chưa bao giỡ sẵn lòng lên tới tầng 3 để thu quần áo nếu trời mưa. Anh sẵn sàng cho bạn bè vay một số tiền lớn, nhưng lại so đo tính toán kèn cựa với vợ từng đồng. Anh chưa bao giờ từ chối cô gái nào trong công ty khi cô bỗng dưng thèm ăn giữa buổi, nhưng chưa bao giờ nấu cho vợ được một bát mì tôm.
Mọi việc trong nhà đổ dồn lên đôi vai tôi. Có lúc tôi nhờ anh giúp thì anh bảo anh ra ngoài kiếm tiền đưa về cho tôi là được rồi, còn muốn gì nữa. Anh nói thế mà nghe được. Tôi cũng đi làm kiếm tiền, lương tôi cũng ngang ngửa lương anh, vậy mà về nhà anh nằm ngửa ra chơi game còn tôi quần quật với con cái, nhà cửa. Nói anh bao lần, lần nào cũng cãi vã, rồi tôi lại khóc, anh lại nổi khùng bỏ đi.
Có những đêm nằm bên chồng mà tôi thấy cô đơn kinh khủng. Tôi chỉ ước gì anh hiểu tôi, hiểu những điều tôi mong muốn. Tôi nào đâu mong ước sang giàu nhà cao cửa rộng, tôi chỉ cần chồng đừng bỏ bê, thờ ơ lạnh nhạt với mình. Vậy mà… Có những đêm, tôi không làm sao ngăn nổi những giọt nước mắt nóng hổi cứ thế mà trào ra. Tôi ước giá mà chỉ một lần chồng tôi quay sang ôm vợ, lau những giọt nước mắt ấy và vỗ về tôi, rằng em đừng buồn nữa, có gì nói anh nghe. Đằng này, anh quay qua tôi, cằn nhằn: “Có để im cho người ta ngủ không, khóc khóc cái gì mà khóc”. Anh đã không xoa dịu lại còn làm nỗi tủi hờn trong tôi tăng lên gấp bội, đau đớn, tủi thân vô cùng.
Nhớ cái ngày bắt được những tin nhắn tình tứ trong máy chồng gửi đến một người đàn bà xa lạ, tôi khóc như mưa. Tôi tra hỏi chồng, nhưng anh chối bay chối biến. Rồi khi chính mắt tôi thấy anh bước ra từ nhà nghỉ, mặt tươi như hoa, dìu tình nhân ra xe, thì tôi lại đứng im mà khóc. Vốn dĩ rằng trước đó đã nghĩ nếu có ngày bắt quả tang tôi sẽ làm ầm lên một trận rồi đến đâu thì đến, vậy mà lạ thay tôi không làm gì cả, chỉ đứng khóc nhìn theo dáng họ rời đi.
Những đêm vợ chồng nằm bên nhau, anh còn không dành nổi cho vợ một cử chỉ âu yếm, cứ thế lăn ra mà ngủ. Tôi nằm khóc suốt đêm, nghĩ thương thân mình. Có lẽ là chồng tôi không yêu vợ, nên anh mới vô tâm cộc cằn đến thế, có lẽ chồng tôi không yêu vợ, nên anh mới ngoại tình.
Ừ, thì, anh đã vậy, từ giờ, tôi sẽ sống cho tôi. Nếu trước đây, làm được đồng nào tôi đều cắc củm để dành để lo cho gia đình, thì giờ tôi để dành một khoản để mua sắm, làm đẹp. Thay vì mỗi đêm ngồi chờ chồng bên mâm cơm nguội ngắt, gọi điện tra khảo anh đi đâu với ai giờ này chưa về, tôi bình thản lo cho mình, cho con. Tôi trở nên câm lặng. Những bữa cơm hiếm hoi cùng nhau phần ai nấy ăn chẳng ai nói với ai lời nào.
Đó là một tối cuối tuần, anh bảo anh về muộn vì bận tiếp khách. Khi anh gọi điện thông báo, tôi chỉ “vâng”. Rồi tôi mặc quần áo đẹp, dẫn con đi chơi và dẫn nó vào một nhà hàng ăn tối. Chọn cho mình một góc khuất, tôi thấy anh cùng cô bồ bước vào, dáo dác tìm chỗ, họ công khai âu yếm chốn đông người. Khi anh ngước lên, mắt anh vô tình chạm ánh mắt tôi. Tôi vẫn bình thản ngồi chơi với con, gọi món ra ăn như không có gì xảy ra. Tối đó, anh cầu xin tôi tha thứ, anh bảo: “Anh chỉ yêu em và con, anh với cô ta chỉ là qua đường”. Có lẽ anh đang chờ một cơn thịnh nộ tru tréo từ tôi. Nhưng tôi bình thản: “Dạ. Em biết rồi”.
Tôi đã không còn khóc nữa. Tôi đã khóc quá nhiều cho cuộc hôn nân này rồi. Nước mắt tôi đã cạn sau những lần mỏi mệt đến nỗi chỉ muốn biến khỏi cuộc đời. Tôi làm gì mà còn nước mắt để mà khóc nữa. Chồng không yêu mình, tôi sẽ yêu lấy bản thân tôi. Tôi đã đủ mạnh mẽ để học cách yêu mình.
Chồng trách tôi nhẫn tâm, độc ác, anh bảo sợ sự im lặng của tôi, nó còn khủng khiếp hơn vạn lần những giọt nước mắt. Thì cũng phải thôi, khi đàn bà không còn khóc nữa, đừng mong cô ấy sẽ mở lòng yêu thương anh thêm lần nữa. Không biết chồng tôi có hiểu rằng, còn yêu là đàn bà còn khóc, còn khi họ chỉ im lặng bình thản thì họ đã không còn yêu. Họ đã chịu đủ đớn đau để trở nên tàn nhẫn. Đàn bà không còn khóc, bởi vì họ đã học được cách yêu thương bản thân và tàn nhẫn với kẻ làm họ đau.
Đàn bà ơi, thôi đừng khóc nữa, với những kẻ làm ta đau, nước mắt dành cho họ nào có ích gì. Hãy thương lấy mình, mỉm cười mà bước tiếp trong cuộc đời…
3 lời khuyên cho những người từng nổi nóng: Dám chắc ai cũng sẽ có lúc cần đến!
Ai trong chúng ta cũng đã từng có những phút nổi nóng, tức giận. Vài lời khuyên dưới đây, vì thế có lẽ là cần thiết cho tất cả mọi người.
Bất luận bạn thông minh đến đâu, giàu có cỡ nào, có thế lực mạnh ra sao đi nữa, vào thời khắc nóng nảy, bực tức, chỉ số IQ sẽ về con số 0 và một phút sau đó mới có thể khôi phục lại trạng thái bình thường.
Hãy nhớ: Vào những lúc nóng nảy, tuyệt đối không ra bất cứ quyết định gì!
Sự nho nhã của con người nằm ở việc tự kiểm soát, khống chế cảm xúc của bản thân. Dùng miệng lưỡi làm tổn thương người khác là hành vi ngu xuẩn nhất. Chúng ta không tự do, thông thường là bởi chúng ta bị cảm xúc không tốt từ trong tâm chi phối.
Hãy nhớ: Một người có thể kiếm soát tốt cảm xúc tồi tệ trong lòng luôn mạnh hơn một người có thể di dời cả một tòa thành.
Nước càng sâu càng chảy lặng, nói chậm (nghĩ kỹ trước khi nói) là thước đo độ cao quý của con người. Chúng ta mất 2 năm để học nói song phải mất cả chục năm để học cách giữ im lặng (không nói).
Hãy nhớ: Nói – là một loại khả năng, không nói – là một loại trí tuệ!
Dưới đây là một số gợi ý về phép ứng xử nên thực hành trong các tình huống của cuộc sống, mời quý độc giả cùng đọc và suy ngẫm!
Càng là việc gấp, càng cần phải nói chậm
Khi đối diện với việc gấp, nếu có thể bình tĩnh suy nghĩ một chút, sau đó thong thả trình bày thật rõ về sự việc đó, bạn sẽ để lại ấn tượng tốt về một người chắc chắn, bình tĩnh cho người nghe. Bằng cách này, bạn sẽ khiến đối phương thêm tín nhiệm mình.
Với những chuyện nhỏ, hãy trình bày theo cách hài hước
Đặc biệt là với những lời nhắc nhở đầy thiện ý, dùng một câu nói đùa nói ra quan điểm của mình sẽ không khiến người nghe cảm thấy cứng nhắc, khó chịu, và như thế, họ không chỉ tiếp nhận lời nhắc mà còn gia tăng cảm giác thân mật giữa bạn và đối phương.
Với những việc không nắm rõ, cần thận trọng khi nói ra
Những việc bản thân không nắm rõ, tốt nhất không nên nói ra. Tuy nhiên nếu buộc phải nói, bạn cần phải hết sức thận trọng, biết đến đâu nói đến đó để không bị đánh giá là một người không đáng tin cậy.
Những việc chưa xảy ra, đừng nói bừa
Con người nói chung hầu hết đều ghét những kẻ hay bày đặt, gièm pha gây chuyện thị phi. Việc bạn không tùy tiện suy đoán hoặc nói bừa về những chuyện không có thật sẽ đem đến cho những người xung quanh một cảm giác, rằng bạn là một người chín chắn, có tu dưỡng, là một người nghiêm túc, có trách nhiệm.
Những việc không làm được, đừng hứa suông
Đừng tùy tiện buông lời hứa với những việc bản thân mình không làm được, nếu không, bạn sẽ bị đánh giá là người không đáng tin cậy và chẳng ai muốn đặt niềm tin lên bạn trong những lần sau.
Không nói những lời làm tổn thương người khác
Dù bạn là ai, cũng nên nhớ đừng dùng lời nói để làm tổn thương người khác, nhất là với những người có quan hệ thân thiết gần gũi với bản thân.
Làm được việc này, bạn sẽ đem đến cho những người xung quanh cảm giác bạn là người lương thiện, dễ thắt chặt tình cảm trong các mối quan hệ dù là khăng khít hay xã giao.
Việc của người khác, hãy cẩn thận lời nói
Giữa người với người cần có một khoảng cách an toàn, đừng tùy tiện bình luận hoặc tuyên truyền chuyện của người khác, như vậy, bạn sẽ đem lại cho người khác cảm giác an toàn.
Việc của mình, hãy nghe xem người khác nói gì
Với những việc của mình, nên lắng nghe thêm xem người khác nói gì thay vì tự mình nói ra quá nhiều. Đó là cách bạn để lại ấn tượng về một người khiêm tốn, khôn ngoan trong mắt đối phương.
Với những việc của người lớn, nghe nhiều nói ít
Những người lớn tuổi thường không thích người trẻ tuổi bình luận quá nhiều về việc của mình. Nếu người trẻ tuổi nói quá nhiều, người lớn tuổi sẽ cảm thấy bạn không tôn trọng họ, không khiêm tốn, hiếu học.
Việc giữa hai vợ chồng, hãy bàn bạc
Giữa vợ và chồng, điều sợ nhất là khi xảy ra chuyện đôi bên quay ra chỉ trích lẫn nhau. Cùng nhau thương lượng bàn bạc sẽ mang lại hiệu quả hơn, đồng thời giúp cho tình cảm vợ chồng thêm gắn bó.
Việc của con trẻ, hãy chỉ bảo, hướng dẫn
Đặc biệt là khi con cái đang ở độ tuổi vị thành niên, ương bướng và khó bảo. Bố mẹ hãy dùng thái độ nhẹ nhàng nhưng cũng kiên định để chỉ bảo con, như thế sẽ khiến trẻ có cảm giác tốt, đồng ý hợp tác với bố mẹ để sửa sai.
Theo Trí Thức Trẻ/Soha.vn