Tâm phục khẩu phục cách dạy con từ bỏ 6 thói quen xấu dễ dàng
Bạn có thể khoe với tất cả mọi người rằng con mình là đứa trẻ ngoan nhất, giỏi nhất, lịch sự và nhã nhặn nhất thế giới này. Nhưng tính cách của trẻ sẽ được bộc lộ rõ ràng thông qua một vài tình huống bất ngờ mà bạn không thể kiểm soát. Đó cũng là lúc mọi người biết được bạn đã dùng phương pháp gì để dạy con và đó là phương pháp sai lầm thế nào, khiến trẻ có một số hành vi xấu.
Trẻ quấy khóc, bám dính lấy bố mẹ hay nằng nặc đòi mua đồ chơi khi đi siêu thị,… những thói quen xấu này có thể uốn nắn 1 cách dễ dàng bằng phương pháp sau.
1. Thói quen ngắt lời người khác
Việc quát mắng “Con không được ngắt lời người khác!” sẽ chẳng có tác dụng nếu cha mẹ không làm gương cho trẻ. Hằng ngày, người lớn nên để ý tới mọi việc làm của mình dù là nhỏ nhất.
Chẳng hạn, trước khi gọi điện thoại hãy nói với trẻ bạn không muốn bị gián đoạn. Con có thể nói điều mình muốn ngay bây giờ hoặc đợi đến khi cuộc điện thoại kết thúc. Tương tự, khi trẻ đang muốn trình bày hoặc kể câu chuyện nào đó, không nên ngắt lời con, thay vào đó cha mẹ hãy biểu đạt thái độ lắng nghe thật nghiêm túc để trẻ cảm thấy được tôn trọng.
2. Trẻ nghịch đồ dùng và khăng khăng đòi mua nhiều thứ khi đi siêu thị
Cha mẹ nên giúp trẻ hiểu rằng, không thể mua tất cả những thứ mình muốn, đặc biệt là khi không cần thiết. Để làm được điều này, phụ huynh nên chuẩn bị sẵn 1 danh sách các món đồ cần mua, kèm theo 1 cái bút khi đưa trẻ đi siêu thị (nếu có hình minh họa thì càng tốt với trẻ chưa biết đọc).
Hãy cho trẻ là người quản lý danh sách này, mua đến đâu gạch đến đó. Cảm giác đi mua sắm chủ động và được tự tay tích vào danh sách sẽ giúp trẻ cảm thấy mình có vai trò quan trọng cũng như phải tuân thủ theo quy tắc đã được đề ra khi lập danh sách.
3. Trẻ nói chuyện khiếm nhã
Dạy trẻ cách nói chuyện và hành xử lịch sự là 1 trong những bài học đầu đời quan trọng nhất. Tất nhiên, để làm được điều đó không hề dễ dàng vì trẻ rất dễ học những thói xấu từ mọi người xung quan. Cha mẹ hãy uốn nắn bằng cách không làm theo bất cứ yêu cầu gì từ con khi trẻ chưa chào hỏi, sử dụng kính ngữ, nói lời cảm ơn…
4. Trẻ nói “quá thật” khiến người khác phật lòng
Trẻ em luôn có tư duy đơn giản và sẵn sàng nói ra mọi thứ chúng nghĩ. Cha mẹ nên dạy con nói sự thật là rất tốt, nhưng không phải lúc nào cũng bộc lộ hết suy nghĩ của mình ra ngoài với người lạ. Hãy thiết lập 1 quy tắc mang tên “bí mật gia đình”, tức là có những điều con trẻ cần học cách chỉ nói riêng với bố mẹ hoặc các thành viên thân thiết trong gia đình.
5. Trẻ quấn bố mẹ vì sợ bị bỏ rơi
Cha mẹ quá bao bọc và lo sợ con bị ngã, bị tổn thương khi chơi đùa sẽ tạo nên 1 rào cản giữa trẻ và các hoạt động xung quanh, cũng như khiến con lệ thuộc nhiều hơn. Điều này khiến con khó tiếp cận với mọi người. Vì vậy, hãy để cho trẻ được tự do chơi đùa, chấp nhận ngã thì tự đứng dậy, trầy da xước tay chân là điều không quá nghiêm trọng. Chỉ có như vậy con mới có thể tự lập và dễ dàng hòa nhập với mọi người.
6. Trẻ nghĩ mình là trung tâm của sự chú ý
Khi cha mẹ dành quá nhiều thời gian của mình để nuông chiều sẽ khiến con nghĩ rằng mình muốn gì phải được nấy. Khi không đạt được ý muốn của mình, trẻ dễ cáu gắt, khóc lóc hoặc làm phiền người lớn khác. Cha mẹ nên thiết lập ra những quy tắc riêng và để con hiểu rằng, người lớn còn rất nhiều việc phải làm, không phải lúc nào cũng có thời gian và tiền bạc để đáp ứng yêu cầu của con.