Muốn con ngoan ngoãn và giỏi giang, phải dạy 13 điều này trước 4 tuổi!
Bài viết tổng hợp 13 điều mà cha mẹ nhất định phải dạy con trước khi con lên 4 tuổi, vì đó chính là nền tảng quan trọng để trẻ lớn lên giỏi giang và ngoan ngoãn.
1. Dạy con rèn luyện kĩ năng tự xúc ăn
Vì cha mẹ quá yêu chiều con và việc gì cũng làm hộ con nên dù đã lên 4-5 tuổi nhưng bé không thể nào cầm thìa xúc ăn được, như thế là không tốt cho trẻ.
Nếu muốn tốt cho con, thì cha mẹ hãy dạy con cách tự xúc ăn càng sớm càng tốt, đừng thấy con ăn lâu hay con làm rơi vãi, làm bẩn quần áo mà mẹ lại không để con rèn kĩ năng này. Điều đó sẽ giúp trẻ tự lập sớm, không ỷ lại hay phụ thuộc vào sự chăm sóc của cha mẹ.
2. Dạy con mời ông bà và cha mẹ ăn cơm
Mời cơm người lớn trong bữa ăn là phép lịch sự và là nét văn hóa đẹp của người Việt. Bạn đừng nghĩ rằng vì con còn quá nhỏ nên không cần phải học các quy tắc này.
Trẻ 3 tuổi là giai đoạn bé học hỏi và tiếp thu nhanh, nên đã đủ nhận thức và hiểu biết để cha mẹ bắt đầu dạy con những phép lịch sự khi ăn uống. Nên dạy trẻ càng sớm càng tốt, giúp trẻ phát triển đúng hướng hơn.
3. Dạy con tự mặc quần áo
Khi 3 tuổi, bé hoàn toàn có thể tự mặc quần áo được. Mẹ hãy dạy bé kĩ năng này, bắt đầu từ những bộ quần áo đơn giản, dễ mặc nhất.
4. Dạy con tự xỏ giày, xỏ dép
3 tuổi trở lên, khi cha mẹ nhắc nhở bé đi dép trái rồi, bé hoàn toàn có thể đổi lại dép để đi cho đúng. Nhưng cũng có những bé chưa thể phân biệt được trái, phải nên có thể khó khăn khi xỏ giày, xỏ dép.
Để khắc phục điều này, mẹ có thể mua 1 cái lắc chân cho con và đánh dấu bằng hình dán hoặc màu vẽ vào chiếc dép hay chiếc giày mà chân đeo lắc sẽ đi. Sau đó mẹ cha hãy hướng dẫn bé, sau 1 thời gian bé sẽ dễ dàng phân biệt và đi giày đúng cách hơn.
5. Dạy con tự đánh răng và rửa mặt
Nên mua bàn chải ngộ nghĩnh và kem đánh răng dành riêng cho trẻ em và dạy con tập đánh răng và rửa mặt. Lúc đầu bạn có thể hướng dẫn để con biết cách thực hiện nhưng sau đó bạn hãy để con tự làm chứ đừng giúp con.
Sau khi bé đã đánh răng xong thì bạn hãy cho bé xúc miệng vài lần cho sạch và sau đó để trẻ tự rửa mặt.
6. Dạy con tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại tình dục
Trẻ 3 tuổi chưa thể hiểu thế nào là bị xâm hại tì nh d ục nhưng việc dạy trẻ điều này là rất quan trọng.
Mỗi khi tắm cho bé, mẹ hãy dặn dò bé rằng không được cho ai chạm vào vùng kín của mình và phải hét lên thật to khi có ai đó cố tình làm điều đó.
7. Dạy con tự tắm
Với bé 3 tuổi, mẹ hãy tập cho trẻ tự tắm. Chuẩn bị cho bé một chậu nước ấm to, một chiếc khăn cọ và một chiếc khăn tắm lớn và hướng dẫn bé.
Trong khi bé tắm, mẹ vẫn cần ở bên cạnh, động viên và khen ngợi bé. Nếu bé chưa làm sạch khu vực nào trên cơ thể thì mẹ cha hãy giúp con. Không nên để con tắm quá lâu sẽ dễ làm con bị cảm.
8. Dạy con tự chuẩn bị đồ cho vào balo đi học
3 tuổi là giai đoạn bé bắt đầu đi học mẫu giáo. Đây là độ tuổi bé có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lí và có thể trở nên nghịch ngợm và bướng bỉnh hơn.
Việc dạy con tự xếp đồ vào balo giúp trẻ rèn luyện tính tự lập, phân tán sự chú ý làm trẻ bớt nghịch phá hơn và tạo ra sự hứng khởi cho trẻ khi đi học và thấy có trách nhiệm hơn với việc đi học.
9. Dạy con tập đọc sách
Rèn luyện về thói quen đọc sách cho con từ sớm là rất cần thiết vì giúp bé phát triển không chỉ về tư duy, trí thông minh mà còn tạo ra thói quen học tập cho bé từ sớm để bé không bị stress và không bị khủng hoảng tinh thần khi bước vào giai đoạn đi học.
Nên mua những quyển sách có chứa nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh để kích thích thị lực và trí tò mò của bé và tạo cho bé một không gian thoáng và yên tĩnh để trẻ đọc sách.
10. Dạy trẻ tập vẽ
Hãy chuẩn bị màu và giấy để trẻ có thể tự do sáng tạo khi vẽ. Ở độ tuổi này bé chưa thể vẽ được một hình khối cụ thể nào, cũng không cần phải gượng ép trẻ phải vẽ theo hay vẽ về một cái gì đó. Hãy để trẻ tự do sáng tạo sẽ giúp tư duy và trí não bé phát triển tốt.
11. Dạy con giúp mẹ dọn cơm cho cả nhà
Với trẻ 3 tuổi, có thể giúp mẹ làm những việc đơn giản khi dọn cơm như: chia khăn giấy, bát ăn, chia đũa cho mọi người trong nhà.
Điều này giúp bé sớm tự lập, ngoan ngoãn hơn, thích thú hơn trong mỗi bữa ăn. Giai đoạn 3-4 tuổi, trẻ rất thích bắt chước người lớn và rất thấy hứng thú khi được công nhận.
12. Dạy con dọn bát sau mỗi bữa ăn
Sau khi bé ăn xong, mẹ hãy yêu cầu bé tự thu dọn bát đĩa của mình vào trong mâm hay mang tới bồn rửa bát, sẽ giúp bé tự lập sớm, tạo thói quen ngăn nắp và sạch sẽ, không chỉ thế còn tạo cho trẻ sự hứng khởi vì được làm những việc như người lớn.
13. Dạy con thu gọn sách vở và đồ chơi
Điều này sẽ tạo ra thói quen ngăn nắp và tự lập tốt cho bé. Và đây là những việc đơn giản mà bé 3-4 tuổi hoàn toàn có thể làm được.
Theo Tinhhoa.net
Bức thư 9 nguyên tắc dạy con gây ‘chấn động’, thức tỉnh nhiều bậc làm cha mẹ
Trong 9 điều mà Cựu thủ tướng Đài Loan dạy con, hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ tìm thấy được sự giác ngộ cho chính bản thân mình.
Là một chính khách nổi tiếng, Tôn Vận Tuyền (cựu Thủ tướng Đài Loan) còn được biết đến như một người cha đầy trí tuệ với những lời dạy con sâu sắc, thấm thía.
Tôn Vận Tuyền (1913 – 2006) từng là một ngôi sao chính trị của Đài Loan. Ông giữ chức Bộ trưởng Kinh tế trong suốt 9 năm (1969 – 1978). Năm 1978 ông được bầu làm Thủ tướng. Những năm Tôn Vận Tuyền hoạt động chính trị cũng chính là thời điểm Đài Loan chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong những “con rồng” của châu Á. Khi ấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đài Loan chỉ đứng sau Nhật Bản tại châu Á.
Ông có một gia đình hạnh phúc, có 4 người con đều học rộng tài cao. Họ đều là những tiến sĩ, giáo sư thuộc đủ các lĩnh vực: công nghệ thực phẩm, tài chính, xây dựng… Đáng nói là không một ai trong số họ theo nghiệp chính trị của cha. Tất cả đều đi trên chính đôi chân của mình.
Bí quyết nào giúp Tôn Vận Tuyền có thể điều hoà tốt mối quan hệ trong gia đình mình và nuôi dạy tất cả các con nên người? Đọc bức thư dưới đây, có lẽ bạn sẽ liễu giải được nhiều điều.
Con trai của ta!
Ta viết Bản ghi nhớ này cho con, dựa trên 3 nguyên tắc:
1. Đời người phúc họa vô thường, chẳng ai biết mình có thể sống bao lâu, (cho nên) có một vài chuyện nên nói sớm ra thì tốt hơn.
2. Ta là cha của con, ta mà không nói với con thì chẳng có ai nói cho con biết những chuyện này đâu.
3. Những điều căn dặn để ghi nhớ này là kết quả của bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời của chính bản thân mà Cha ghi nhận được, Nó sẽ giúp các con tránh những nhầm lẫn hoang phí trên con đường trưởng thành của các con.
Dưới đây, là những chuyện mà con phải ghi nhớ kỹ trong cuộc đời mình:
1. Con không nên quá để tâm đến những người đối xử không tốt với con. Trong cuộc đời con, không ai có nghĩa vụ phải đối xử tốt với con, trừ cha và mẹ của con. Còn đối với những người đối xử tốt với con, ngoài việc trân trọng, cảm ơn ra, con cũng còn cần phải đề phòng một chút. Bởi vì, mỗi người làm mỗi việc gì đó đều có nguyên nhân của nó. Anh ta đối xử tốt với con, chưa hẳn đã là vì yêu quý con. Cho nên, con phải nhớ kỹ điều này, chứ không việc gì phải vội vàng coi người đó là bạn thực sự.
2. Không có ai là không thể thay thế được, không có thứ gì phải sở hữu bằng được. Một khi nhìn thấu được điều này, trong tương lai, khi người quanh con không còn cần con nữa, hoặc khi con mất đi tất cả những thứ yêu quý nhất trên đời, thì cũng nên hiểu rằng, đó cũng chẳng phải là chuyện gì ghê gớm.
3. Cuộc đời rất ngắn ngủi. Nếu hôm nay mà con vẫn còn lãng phí cuộc đời, ngày mai sẽ nhận thấy cuộc sống đã rời xa mình rồi. Do đó, càng sớm biết trân quý cuộc sống thì những ngày con hưởng thụ cuộc sống càng dài. Muốn kỳ vọng cuộc sống trường thọ, chẳng thà hưởng thụ sớm hơn.
4. Trên thế giới này chẳng có cái gì gọi là yêu nhất, tình yêu chỉ là một cảm giác nhất thời, mà cái cảm giác này chắc chắn (tuyệt đối) sẽ thay đổi theo thời gian và tâm trạng. Nếu như cái mà con gọi là yêu nhất nó rời xa con, hãy nhẫn nại chờ đợi một chút, đợi thời gian dần dần gột rửa, để tâm trạng từ từ trầm lắng xuống, nỗi khổ của con sẽ dần dần phai nhạt đi, không nên quá khát cầu vẻ đẹp của tình yêu, không nên quá phóng đại nỗi buồn của chuyện thất tình.
5. Tuy rằng có rất nhiều người thành đạt đều không có được sự giáo dục đầy đủ, nhưng điều đó không có nghĩa là không cần chăm chỉ học hành mà vẫn chắc chắn có thể thành công. Những tri thức mà con học được chính là vũ khí mà con có trong tay, có thể tay trắng làm nên, nhưng không thể (bằng cách) tay không tấc sắt, hãy nhớ kỹ!
6. Cha sẽ không yêu cầu con phải phụng dưỡng nửa cuối cuộc đời cha, tương tự, cha cũng không chăm sóc nửa cuối cuộc đời của con. Khi con trưởng thành, có thể tự lập được rồi thì (đó là lúc) trách nhiệm của cha đã kết thúc. Sau này, con muốn ngồi xe Bus hay xe Mercedes, muốn ăn vây cá hay ăn mì, đều do tự mình chịu trách nhiệm.
7. Con có thể yêu cầu mình giữ chữ Tín, nhưng không thể yêu cầu người khác giữ chữ Tín. Con có thể yêu cầu mình đối xử tốt với người, nhưng không thể mong đợi người ta đối xử tốt với mình. Dù con đối xử với người ta như thế nào thì cũng không có nghĩa rằng người ta phải đối xử với con như thế. nếu như con không nhìn thấu vấn đề này, con sẽ phải nhận thêm những phiền não không cần thiết.
8. Cha đã mua xổ số hơn chục đến cả 20 năm, nhưng rốt cuộc vẫn nghèo trắng tay, ngay cả đến giải 3 cũng không trúng. Điều này chứng tỏ (một điều), người ta muốn giàu có, vẫn phải dựa vào nỗ lực làm việc mới có, trên thế giới này không có bữa trưa nào miễn phí cả.
9. Người thân chỉ có duyên phận một lần, bất luận cha và con sống với nhau được bao lâu trong kiếp này, hãy thật biết trân trọng những khoảnh khắc ở bên nhau. Kiếp sau, dù còn yêu hay không yêu nhau nữa, đều không còn gặp lại nữa đâu.
Nguyễn Sơn Phong dịch
Lứa tuổi tiểu học, ngoài tri thức có 7 điều nhất định phải dạy trẻ
Các bậc phụ huynh luôn hy vọng con cái của mình sẽ học hành tiến bộ và xuất sắc. Có rất nhiều cha mẹ quan niệm rằng, thành tích học tập của con là điều quan trọng nhất.
Tuy nhiên, đối với trẻ ở giai đoạn tiểu học, thành tích học tập chỉ là một phần, và điều quan trọng hơn là sự trưởng thành của trẻ.
Đối với một đứa trẻ, phẩm chất tốt, thói quen sinh hoạt tích cực là điều rất trọng yếu. Nếu không có những đức tính này, đứa trẻ dù có thành tích thế nào thì liệu có thành công? Cho nên ngoài việc động viên con trẻ học tập tốt thì vấn đề thiết yếu là việc giáo dục nhân cách của trẻ.
Sau đây là 7 điều nên giáo dục cho trẻ để con trưởng thành hơn cả về trí tuệ lẫn nhân cách:
1. Cho trẻ biết cần phải làm 2 việc: Việc phải làm và việc muốn làm!
Cuộc đời của mỗi một người cũng chỉ có 2 việc đó, chính là việc nên làm và việc muốn làm. Chỉ khi làm xong việc phải làm thì mới có thể đi làm việc mình muốn làm.
Bình thường chúng ta thường nghe bọn trẻ oán giận những câu như: “Con không muốn đi học” hoặc “Con không muốn làm bài tập, con muốn đi chơi”… Chúng chỉ biết làm bài tập, học bài thật là mệt, nhưng lại không biết rằng nếu làm xong bài tập, học xong bài thì sẽ có nhiều thời gian để chơi đùa, có thể làm điều mình muốn.
Vì vậy, cha mẹ cần phải giảng giải cho trẻ biết mối liên hệ giữa việc cần làm và việc muốn làm. Cũng như đối với người lớn, công tác là việc phải làm, du lịch là việc muốn làm, nhưng chỉ có đi làm công tác kiếm được tiền thì mới có thể đi du lịch như mong muốn.
2. Khi học cần phải tích cực phát biểu
Từng có vị phụ huynh nói rằng, con tôi rất thông minh, nhưng do ít nói chuyện nên bạn bè không nhiều lắm, thầy giáo cũng ít để ý đến nó. Thật ra có rất nhiều vị cha mẹ đều có con lâm vào tình trạng như vậy, trẻ có nhiều ưu điểm nhưng lại trầm tính ít nói.
Thời đại ngày nay đòi hỏi phải có khả năng biểu đạt, nếu một đứa trẻ có thể mạnh dạn phát biểu, diễn đạt được những suy nghĩ của cá nhân về vấn đề nào đó thì đứa trẻ ấy sẽ dễ được chú ý. Hơn nữa, điều này cũng giúp trẻ dần tự tin hơn.
Có rất nhiều đứa trẻ vốn rất thông minh nhưng lại không thành công, nguyên nhân chính là do chúng thiếu dũng khí, không dám đột phá chính mình. Muốn cho trẻ đột phá chính mình thì cha mẹ hãy cổ vũ, khích lệ chúng giơ tay phát biểu. Mặc dù đây là một việc nhỏ nhưng lại có thể giúp cho đứa trẻ đề cao năng lực biểu đạt và sự tự tin.
3. Dạy trẻ biết nói lời cảm ơn
Hiện nay các bậc cha mẹ đều vô cùng cưng chiều con cái, đối xử với chúng như là những cục cưng, phục vụ “nước đưa tận tay, cơm đưa tận miệng”. Đối đãi như vậy, trẻ sẽ xem đây là điều hiển nhiên mà chúng có được, và không biết cần phải cảm ơn. Như vậy khi lớn lên chúng sẽ trở nên ích kỷ, ngang ngược, giao tiếp không tốt.
Cần phải cho trẻ biết không có ai có nghĩa vụ phải giúp đỡ chúng, giúp đỡ là vì tình cảm muốn giúp chứ không phải bổn phận phải giúp. Dạy cho đứa trẻ biết khi có người khác giúp đỡ chúng, cho dù là việc nhỏ nhặt thì cũng phải nói lời cảm ơn.
4. Không phải tất cả mọi người đều yêu thích chúng
Mỗi một người đều không thể nào khiến cho tất cả mọi người đều hài lòng về mình, cần để cho trẻ phải hiểu rõ về vấn đề này. Có người không hài lòng về mình, đây là điều bình thường, không nên vì người khác phê bình mà trở nên mất tự tin, cũng không nên vì người khác khen ngợi mà đắc chí. Chỉ cần bản thân mình đi cho ngay chính, ngồi cho ngay ngắn, kiên trì làm người chính trực thiện lương, thì ắt sẽ có bạn bè chân thành.
5. Trẻ nhỏ phải biết rộng lượng, chia sẻ với nhau
Mỗi một con người đều có phần ích kỷ, đều muốn giấu đồ tốt cho riêng mình. Chúng ta cần phải tập cho trẻ biết chia sẻ trong khi giao tiếp với mọi người, nếu không sau này sẽ gặp nhiều khó khăn trong xã hội.
Cha mẹ cần nói cho trẻ hiểu, ví như: Con đi nhà bạn chơi, thấy bạn có đồ ăn ngon cũng hy vọng bạn mời con ăn, bạn có đồ chơi đẹp cũng muốn bạn cho chơi chung đúng không? Cho đứa trẻ biết, mình hy vọng bạn bè đối đãi thật tốt với mình, thì bạn bè cũng hy vọng mình như thế.
6. Cần phải biết chấp nhận thất bại
Cha mẹ thỉnh thoảng khen con vài câu: “Con giỏi quá”, “con thật lợi hại”, như vậy có thể giúp con tự tin, nhưng đồng thời cũng dễ dàng làm cho đứa trẻ tự kiêu. Trên con đường trưởng thành, có rất nhiều sự việc cần phải có kinh nghiệm, vì vậy việc thất bại cũng là chuyện đương nhiên. Nhưng cần biết rằng sau khi thất bại mà khóc lóc, oán trách đều vô dụng.
Một đứa trẻ kiên cường là biết chấp nhận thất bại, biết rút ra bài học sau thất bại đó.
7. Gặp bất cứ chuyện gì cần phải nói cho ba mẹ biết
Có rất nhiều đứa trẻ chỉ nói cho ba mẹ biết những chuyện vui vẻ mà giấu đi những chuyện không vui. Trẻ sợ ba mẹ lo lắng, trách mắng nên luôn giữ trong lòng, như vậy lâu ngày sẽ xuất hiện vấn đề nghiêm trọng. Cho nên cần phải giúp trẻ biết rằng cha mẹ là người yêu thương chúng vô điều kiện, vì vậy dù bất cứ có chuyện gì xảy ra thì cha mẹ cũng sẽ là người quan tâm và ủng hộ chúng.