3 bộ phận chứa nhiều chất độc hại của lợn, bạn cần cân nhắc kỹ trước khi ăn
Nhiều người quan niệm rằng “ăn đâu bổ đấy” nên cứ ăn thật nhiều và nghĩ rằng càng nhiều sẽ lại càng bổ. Nhưng với 3 bộ phận này của lợn thì không tỷ lệ thuận được như thế, thậm chí nếu quá liều lượng còn ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng.
Người xưa nói, bệnh từ miệng mà ra, để nhắc nhở chúng ta ăn uống là việc luôn luôn phải cẩn thận. Đến nay thì điều này lại càng phải đặc biệt chú ý vì thực phẩm thiếu lành mạnh đã quá tràn lan đến mức không kiểm soát nổi.
3 bộ phận sau đây được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá là độc hại nhất, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi ăn chúng.
1. Gan lợn
Gan lợn là bộ phận chứa nhiều cholesterol và các kim loại nặng. Nhu cầu mỗi người chỉ được phép dung nạp khoảng 300mg cholesterol/ngày. Trong khi đó, cholesterol trong gan lợn rất lớn. Riêng ăn 100g gan, lượng cholesterol bạn dung nạp đã lên tới hơn 400mg.
Tất cả các thức ăn khi lợn ăn vào đều phải đi qua gan để giải độc, quá trình thải độc đó nếu không thực hiện tốt vô tình giữ lại rất nhiều tồn dư chất độc hại, bao gồm chất tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi và rất nhiều hợp chất hay kim loại nặng.
Nếu ăn quá nhiều trong một lần, lượng cholesterol nạp vào cơ thể nhiều quá sẽ gây ra các bệnh như xơ vữa động mạch và làm bệnh tim nặng hơn, do đó những người mắc bệnh huyết áp cao hoặc tim mạch vành nên hạn chế ăn gan lợn.
Với người có sức khỏe bình thường cũng nên cân nhắc việc ăn gan lợn với một lượng phù hợp để không bị dư thừa cholesterol, chất độc, kim loại nặng, gây tổn hại cho sức khỏe.
2. Óc lợn
Mặc dù óc lợn được xem là món ăn bổ dưỡng, vì chứa nhiều canxi, phốt pho, sắt và một số thành phần khác. Nhưng ngược lại, thành phần cholesterol lại rất cao.
Thông thường một cái óc lợn nặng 100g chứa khoảng 3000mg cholesterol. Chỉ cần ăn một cái óc thôi, có khi bạn cũng phải “nhịn” tất cả những chất chứa cholesterol khác ít nhất trong 10 ngày.
Vì vậy, hãy cân nhắc khi ăn óc lợn và nên ăn bao nhiêu là đủ.
3. Phổi lợn
Phổi là cơ quan hô hấp, cũng là bộ phận tích tụ nhiều độc tố nhất trên cơ thể lợn. Phổi lợn có rất nhiều phế nang, đây được xem là nơi dễ dàng nhất để tích tụ và lắng đọng nhiều bụi trong màng phổi.
Bên cạnh đó, lợn có thói quen đặc biệt là rất hay hít thở sát đất nên đã hút vào phổi một lượng rất lớn bụi bẩn hàng ngày. Khi hít thở, một lượng bụi cùng với các kim loại nặng sẽ bị hít sâu vào trong phổi và nằm yên ở đó. Khi con người ăn vào, sẽ vô tình mang theo bụi, kim loại nặng vào theo, thậm chí có cả virus gây bệnh, gây hại rất lớn cho cơ thể.
Theo kết quả kiểm nghiệm, trong phổi lợn chứa một lượng độc tố, bởi chất tạo nạc và những thành phần tăng trọng trong thức ăn chăn nuôi, chiếm tỷ lệ 60% trong toàn bộ thịt lợn. Ăn phổi lợn nếu không xử lý, sơ chế đúng cách có thể bị ngộ độc.
Ngoài ra, có một số lượng lớn các virus và vi khuẩn lưu trú trong phổi. Lợn thường xuyên hít thở sát mặt đất, thói quen nằm nhiều hơn di chuyển vì vậy sẽ hít vào phổi rất nhiều khí bẩn ô nhiễm trong chuồng lợn, ký sinh trùng, bệnh dịch, vi khuẩn virus cũng liên tiếp chui vào phổi và rất khó để đào thải, thanh lọc hết những chất độc này.
Cách lựa chọn và chế biến gan lợn
Gan gia súc lành mạnh có mầu đỏ sẫm hoặc mầu tím nhạt. Sờ tay vào thấy mềm và mịn. Dùng ngón tay trỏ ấn vào mặt gan, gan lõm xuống và giữ nguyên vết lõm khi rút ngón tay ra. Ngược lại, gan của gia súc bệnh thường chuyển màu thành mầu gạch non, mầu vàng hay mầu bạc trắng. Gan vật mắc bệnh truyền nhiễm thường nhũn như bùn, tuyệt đối không được dùng loại gan này, phải hủy bỏ.
Do gan lợn là cơ quan chủ yếu giải độc cho cơ thể lợn, cho nên bên trong chúng còn sót lại rất nhiều chất độc, khi ăn gan lợn tốt nhất phải xử lý chúng thật kĩ.
Bạn có thể ngâm gan lợn trong nước muối khoảng 10 phút rồi mới chế biến, thậm chí có thể phải ngâm trong nước muối trên nửa tiếng đồng hồ, như vậy mới có thể để phân hủy được phần nào các chất độc.
Bạn cần rửa thật sạch loại thực phẩm này, bóp sạch máu đọng, nấu chín hẳn mới được ăn. Gan lợn nấu quá nhanh sẽ không thể giết chết các loại vi khuẩn và trứng ký sinh trùng trong gan, do đó, cần chế biến gan chín kĩ trước khi ăn.
Cách lựa chọn và chế biến óc lợn
Khi mua óc lợn cần chú ý quan sát phía bên ngoài. Nên chọn óc lợn mà màng óc vẫn còn tươi không có vết nứt, óc không bị chảy ra ngoài. Các huyết mạch thanh quản trên màng óc trông rõ nét, không có vết máu, vết lốm đốm, óc có màu đỏ hồng. Lấy tay sờ vào óc lợn có cảm giác không quá rắn, cũng không quá mềm, độ mềm rắn vừa tay thì nên mua.
Mùi của óc lợn cũng là yếu tố không thể xem nhẹ, đặc biệt là vào mùa hè thời tiết nóng bức làm cho thực phẩm nhanh bị hỏng. Nếu bạn thấy mùi ôi nhất thiết không nên mua, chớ ham rẻ mà rước bệnh vào người.
Cách lựa chọn và chế biến phổi lợn
Phổi lợn chết thông thường sẽ có những giọt nước căng phồng trên bề mặt phổi, dạng bong bóng nước, có mủ hoặc có những nốt lồi lõm. Nếu phổi lợn chứa nhiều kim loại nặng hoặc bụi trần thì màu sắc sẽ chuyển sang ghi xám, hoặc màu nâu.
Nếu phổi lợn màu hồng, sáng bóng, độ đàn hồi tốt thì mới là phổi tươi ngon.
Muốn rửa phổi sạch, cần để nguyên lá phổi, đổ nước vào trong phổi theo mạch khí quản, xóc rửa phổi như rửa một cái chai, đổ đầy nước vào phổi rồi lại lắc bóp cho sạch nước. Làm như vậy sẽ giảm thiểu bụi bẩn, độc tố, kim loại nặng.
Nếu có bột để rửa, cắt phổi thành lát mỏng, rửa bằng nước xong tẩm bột trộn đều cho bột hút các loại chất độc hại. Sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Còn một cách rửa nữa là nhúng vào nước sôi. Thái phổi thành từng lát mỏng, đun sôi nước rồi chần phổi, chế biến theo nhu cầu.