Thiên lý còn gọi là dạ lý hương, dạ lài hương. Theo Đông y, thiên lý có vị ngọt tính bình, giải nhiệt, chống rôm sảy, là một vị thuốc an thần, giúp ngủ ngon, giảm tiểu đêm, đỡ mệt mỏi, đau lưng, có tính chống viêm, thúc đẩy nhanh lên da non, được sử dụng trị liệu chữa lòi dom, đinh nhọt, trị giun kim…
Theo nghiên cứu y học hiện đại, hoa thiên lý bao gồm: chất xơ 3%, chất đạm 2,8%, ngoài ra còn có chất bột đường, vitamin như C, B1, B2, PP và tiền vitamin A (caroten), cùng các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như canxi, phốt pho, sắt, đặc biệt là kẽm có hàm lượng khá cao. Vì vậy hoa thiên lý vừa là thức ăn bổ dưỡng và thuốc bổ giúp trẻ mau lớn, giúp người già giảm chứng phì đại tuyến tiền liệt vừa tăng sức đề kháng cho người sử dụng.
Trong hoa thiên lý có chứa nhiều vitamin và khoáng chất
Liều dùng hoa thiên lý trong các bài thuốc phổ thông từ 20g đến 30g (100-200g tươi). Khi chế biến các món ăn với hoa thiên lý, chú ý không xào nấu quá chín sẽ làm giảm các dưỡng chất và dập nát cánh hoa, mất ngon. Sau đây là một số tác dụng tuyệt vời và bài thuốc từ hoa thiên lý.
Phòng rôm sảy cho trẻ
Nấu canh hoa thiên lý ăn hằng ngày để phòng rôm sảy. Với trẻ nhỏ có thể nghiền lá và hoa thiên lý ra nấu lẫn với bột, cháo khi cho trẻ ăn dặm.
Chữa yếu sinh lý và cải thiện vô sinh ở nam giới
Hoa thiên lý giàu kẽm giúp tăng chất lượng và số lượng tinh trùng ở những nam giới suy yếu sinh lý, giúp cải thiện tình trạng vô sinh ở nam giới do bị nhiễm chì.
Chữa mất ngủ
Hoa thiên lý 30g, hoa nhài 10g, tâm sen 15g. Ba thứ sắc chung lấy nước uống trong ngày. Dùng liên tiếp trong một tuần có thể chữa chứng mất ngủ.
Trị hư nhược, hoa mắt, chóng mặt
Hoa thiên lý, bạch cúc, mỗi vị 10g, ngải cứu 12g, rau má, lá đinh lăng, mỗi vị 8g. Sắc uống liền trong ngày, uống liên tục trong 3-5 ngày.
Hoa thiên lý giúp tăng chất lượng và số lượng tinh trùng ở những nam giới suy yếu sinh lý
Giảm đau nhức xương cốt
Hàng ngày lấy hoa thiên lý xào với thịt bò hoặc chấm với muối vừng ăn sẽ có tác dụng đau nhức xương cốt. Lưu ý, do trong thiên lý chứa kẽm nên khi sử dụng không xào nấu cùng với các thức ăn giàu chất sắt như gan, thịt lợn nạc, rau muống… vì chất sắt có trong các loại thực phẩm này sẽ đẩy kẽm ra khỏi cơ thể.
Trị giun kim
Hoa thiên lý 30g, rau sam 20g, lá đinh lăng 25g. Ba thứ rửa sạch, sao khô, sắc lấy nước uống, mỗi ngày chia làm 3 lần, uống liên tiếp trong 3 ngày. Hoặc lấy lá thiên lý non nấu canh cho trẻ ăn liền từ 7 – 10 ngày sẽ hiệu quả.
Giảm cân
Trong hoa thiên lý chứa một lượng lớn chất xơ và chất diệp lục của cây giúp cơ thể dễ dàng trao đổi chất hơn, từ đó giảm việc hấp thụ chất béo của cơ thể từ lượng thức ăn hàng ngày, đồng thời gây cảm giác mau no, bạn sẽ dừng bữa ăn của mình sớm hơn mọi ngày.
Ngoài ra, hoa thiên lý chỉ chứa một lượng rất nhỏ calo nên bạn hoàn toàn có thể sử dụng hoa thiên lý hằng ngày cho thực đơn giảm cân của mình mà không cần phải sợ béo phì.
Lá của cây hoa thiên lý có thể chữa tiểu buốt, đinh nhọt, trĩ ngoại, sa dạ con
Không chỉ hoa, rễ và lá của cây hoa thiên lý cũng có tác dụng chữa bệnh rất tốt:
Chữa tiểu buốt
Lấy rễ cây thiên lý từ 10 – 20g, sắc lấy nước uống 2 – 3 lần trong ngày. Uống trong 5 ngày.
Chữa đinh nhọt
Lấy lá cây thiên lý 30 – 50g, giã nhỏ đắp vào chỗ mụn nhọt, ngày thay 1 lần, vài ba ngày sẽ khỏi.
Chữa trĩ ngoại
Lá thiên lý (chọn lá non và bánh tẻ) 100g, muối ăn 5g. Lá thiên lý rửa sạch, giã nhỏ với muối, thêm chừng 30 ml nước cất, lọc qua vải gạc. Dùng nước này tẩm vào bông, đắp lên chỗ trĩ (sau khi đã rửa sạch bằng thuốc tím); sau đó băng lại như đóng khố. Ngày làm 1-2 lần, thường sau 3-4 ngày thì khỏi.
Theo Lanhmanh