Dưới đây là một số tác hại nguy hiểm đối với sức khỏe và làm đẹp khi dùng dầu dừa sai cách:
Đối với sức khỏe: Không sử dụng dầu dừa trong khẩu phần ăn
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, dầu dừa sẽ trở thành một hiểm họa nếu sử dụng nhiều dầu dừa trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Theo các nhà khoa học, chỉ cần ăn một thìa dầu dừa, bạn đã nạp vào cơ thể tới 13g lượng chất béo bão hòa, mức giới hạn tối đa mà AHA đưa ra cho một ngày.
Điều này sẽ khiến cơ thể bạn dễ dư thừa chất béo bão hòa, bởi nó còn chứa trong nhiều món ăn khác và nhiều món ăn vốn cần hơn một thìa dầu để chế biến.
Lượng chất béo bão hòa trong dầu dừa vốn cao gấp nhiều lần so với dầu khác. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh chất béo bão hòa là nguyên nhân làm tăng cao lượng cholesterol xấu, từ đó tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch.
Hơn nữa, đối với những người có vấn đề về rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, thừa cân béo phì…), việc sử dụng những sản phẩm nhiều axit béo bão hòa như dầu dừa còn làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu.
Ngoài ra, trong quá trình tự chế dầu dừa, chắc chắn sẽ có những mặt trái nhất định trong vấn đề an toàn, vệ sinh nên khi sử dụng trực tiếp, đặc biệt là việc uống dầu dừa sẽ vô tình đưa một lượng lớn vi khuẩn vào cơ thể. Điều này sẽ phá hủy hệ thống miễn dịch và gây ra nhiều bệnh tiềm tàng bên trong.
Đối với làm đẹp: Tối đa 2 lần/ tuần
Trong dầu dừa có một số tinh chất rất tốt cho da và tóc, song nếu sử dụng không đúng, bạn hoàn toàn có thể gặp tác dụng ngược.
Chẳng hạn như với những người có làn da nhạy cảm, da nhờn,.. dầu dừa có thể gây ngứa ngáy, nổi mề đay do bản thân dầu dừa chứa chất nhờn cao.
Trong khi đó, mụn là bệnh do nang lông – tuyến bã ở da hoạt động thái quá làm tiết nhiều bã nhờn, nên nếu bị bít kín do lớp dầu dừa trên mặt, chất bã nhờn sẽ ứ đọng lại ở lỗ chân lông tạo thành nhân mụn. Với da dầu, tốt nhất nên hạn chế sử dụng dầu dừa chăm sóc da.
Nếu dùng dầu dừa massage, bạn chỉ nên làm tối đa 2 lần/ tuần. Hàng ngày buổi tối sau khi rửa mặt bằng sữa rửa mặt, dùng một chút tinh dầu dừa chấm lên vùng da mặt, cổ. Sau đó massage khoảng 3 phút rồi rửa mặt thật sạch để đảm bảo lượng dầu dừa còn lại không làm bít lỗ chân lông.
Đối với tóc cũng vậy, bạn cũng chỉ nên sử dụng tối đa 2 lần/tuần. Việc sử dụng dầu dừa để dưỡng tóc cũng cần hết sức cẩn trọng bởi lượng lipid trong đó chính là nguyên nhân tăng độ dầu, làm tóc bị bết nhanh, thu hút sự “tấn công” của các vi khuẩn gây hại cho tóc và nhất là da đầu.
Theo dân viêt
Thực hư thông tin tìm thấy chất gây ung thư trong núm vú giả, bao cao su
Các chuyên gia khẳng định, người tiêu dùng không nên hoang mang trước thông tin về việc tìm thấy chất gây ung thư trong vật dụng bằng cao su như núm vú giả cho em bé, bao cao su, găng tay… từ thành phần MBT là chất xúc tiến (CXT) trong sản xuất sản phẩm vật liệu cao su.
Chỉ gây hại cho da ở hàm lượng lớn
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đưa ra kết luận, chất MBT sử dụng trong sản xuất cao su cần được cho vào danh sách “từ điển bách khoa các chất gây ung thư”. Theo nghiên cứu của GS Tom Sorahan, trường Đại học Birmingham (Anh), chất MBT có trong các sản phẩm từ cao su có mối liên kết với các bệnh ung thư bàng quang, ung thư ruột và một loại ung thư máu…
Hiện nhiều người tiêu dùng vẫn hoang mang, lo sợ về một số đồ gia dụng trong gia đình có thành phần cao su sử dụng hằng ngày. Đặc biệt, nhiều ông bố, bà mẹ lo lắng cho con của họ khi bé đang trong độ tuổi bú bình phải dùng núm vú giả chất liệu cao su.
Chị Đỗ Thị Linh (ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) lo ngại: “Bé nhà tôi 7 tháng tuổi, bé bú bình hoàn toàn. Tôi rất sợ liệu núm vú giả cho bé bú sữa mỗi ngày có gây độc cho sức khỏe của bé về lâu dài không?”. Còn chị Hoàng Lan Anh (ngụ Q.2, TPHCM) thì cho hay: “Công việc của tôi phải dùng găng tay cao su thường xuyên do tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa, như vậy chất độc từ cao su có thể ngấm qua da tay gây hại sức khỏe”.
Qua khảo sát thị trường TP.HCM, các sản phẩm như găng tay cao su, núm vú giả cho em bé… được bán tại nhiều nơi từ chợ lẻ, tới hệ thống siêu thị. Găng tay cao su có giá từ 20.000 – 43.000đ/đôi, núm vú cao su cho em bé bú bình có nhiều loại, nhiều hãng sản xuất và cũng đa dạng giá bán.
Xét về khía cạnh nghiên cứu khoa học, PGS.TS Hồ Sơn Lâm, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho hay, MBT (2-mercaptobenzothiazole) còn có tên gọi khác là 2-Benzothiazolethiol, accel M… MBT và kẽm MBT được sử dụng chủ yếu như một CXT trong quá trình lưu hóa cao su và làm thuốc diệt nấm. Natri MBT được sử dụng như một chất ức chế ăn mòn và loại thuốc diệt nấm (theo tiêu chuẩn Mỹ USEPA 1994 và châu Âu EC 2005). Về độc tính, các chất trên gây hiệu ứng lên da qua thí nghiệm trên chuột, lợn. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào trên người.
Một số nghiên cứu độc tính trên da cho thấy, giá trị LD50 (liều gây chết 50% quần thể trong các động vật tiếp xúc) cho thỏ đã được báo cáo là > 7.940 milligram cho mỗi kg trọng lượng cơ thể (mg/kg) đối với MBT, kẽm MBT là > 5.010mg/kg. Tuy nhiên, chúng không gây ra độc tính cấp. Sự phơi nhiễm qua da lợn, chuột là có thật, khi cho 0,0361mg (mg) MBT lên da của chuột, lợn dưới một tấm gạc trong 96 giờ, 16,1-17,5% hấp thụ lên da chuột, 33,4% liều dùng hấp thụ lên da lợn.
“Trong quá trình sản xuất cao su và các vật liệu khác, lượng MBT rất nhỏ để làm xúc tác, nên sự hiện diện của chúng trong vật liệu là không đáng kể. Bản thân MBT và các muối của nó ở dạng nguyên chất và với hàm lượng lớn (vài nghìn mg/kg) mới có hiệu ứng độc cho da” – PGS.TS Hồ Sơn Lâm cho hay.
Cần chứng cứ thiết thực
Đồng quan điểm trên, TS Đặng Chí Hiền, Viện Công nghệ Hóa học TP.HCM cho rằng, hóa chất dùng cho công nghiệp ít nhiều không có lợi cho sức khoẻ, vấn đề là tiếp xúc với chúng ở liều lượng bao nhiêu thì có hại. Điều đó phải có khảo cứu toàn diện, đảm bảo dữ liệu chính xác.
MBT là một hóa chất, bản thân nó là chất độc khi tiếp xúc, nhưng trên các chế phẩm từ lưu hóa cao su thì hàm lượng MBT còn lại không nhiều và chưa thấy có công bố chính thức nào. Những kết luận khẳng định sự độc hại nhiễm từ sản phẩm đồ dùng gia dụng chất liệu cao su thì cần phải có những thử nghiệm lâm sàng, chỉ rõ số người dùng các sản phẩm trên bị nhiễm bệnh từ MBT.
CXT (còn được gọi là chất gia tốc lưu hóa) là chất hữu cơ có tác dụng tăng tốc độ lưu hóa cao su, sử dụng với một lượng nhỏ, có tác dụng làm giảm thời gian, hạ nhiệt độ gia nhiệt cho sản phẩm, giảm tỷ lệ gia nhiệt chất lưu hóa, tăng tính năng cơ lý của sản phẩm cao su, cải thiện chất lượng sản phẩm. Để lưu hóa một sản phẩm cao su, không thể thiếu thành phần CXT trong đơn pha chế cao su.
CXT có nhiều loại, phổ biến như diphenyl guanidine (DPG), mercaptobenz thiazole (MBT), disulfur benzothiazyl (MBTS hay DM), cyclodexyl-2-benzothiazyl sulfenamide (CBS)… Để lựa chọn sử dụng CXT nào cho đơn pha chế, nhà sản xuất phải am hiểu về các CXT, sử dụng phù hợp cho từng loại cao su và mục đích sử dụng sản phẩm cao su đó, mới mang lại hiệu quả tối đa.
“Rất khó phát hiện bằng cảm quan sản phẩm cao su bị dư hàm lượng CTX. Cao su lưu hóa trước đây dùng lưu huỳnh trực tiếp có thể còn để lại mùi lưu huỳnh trong sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm cao su thương mại cũng đã được xử lý không còn mùi đặc trưng, ví dụ như găng tay y tế, núm vú giả cho em bé…”, TS Đặng Chí Hiền cho biết.
trong quá trình sản xuất sản phẩm vật liệu cao su, nhà sản xuất không dùng cxt này thì cũng phải dùng cxt khác, điều quan trọng là sử dụng chúng như thế nào cho phù hợp về nồng độ, hàm lượng đúng tiêu chuẩn quy định để đảm bảo an toàn sức khỏe khi sử dụng sản phẩm vật liệu cao su. (pgs.ts hồ sơn lâm, viện khoa học vật liệu ứng dụng -viện hàn lâm kh&cn việt nam)
Theo Đời sống pháp luật