Cũng may em lấy được một anh chồng tốt, ảnh luôn bên cạnh động viên, giúp đỡ vợ, cảm động nhất là đợt em đi đẻ. Anh lo từ A tới Z, như một người phụ nữ đi nuôi đẻ thật sự vậy á. Hôm đó ở bệnh viện ai nhìn vào cũng tấm tắc khen, em mặc dù đau đớn, mệt mỏi lắm nhưng cũng cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện quá chừng.
Các mẹ ơi, bình thường khi yêu đương thì sao cũng được nhưng đã cưới nhau rồi thì chồng phải có trách nhiệm kề cận, dìu vợ vượt qua lúc khó khăn. Nhất là lúc sinh đẻ á nha. Các mẹ phải nói chồng làm những việc này cho mình. Vừa giúp mẹ vượt cạn thành công, khỏe mạnh, vừa là sự san sẻ của chồng dành cho vợ.
1/ Kịp thời đưa vợ đi bệnh viện khi có dấu hiệu sinh
Hồi em sắp sinh vác cái bụng to vượt mặt nên người mệt mỏi, đau nhức lắm, đầu óc cũng nhớ trước quên sau, tâm trạng hay cáu gắt bực bội. Chồng em biết ý nên lỡ có xích mích lúc nào cũng nhường vợ hết. Ảnh đọc báo sức khỏe có thấy bác sĩ khuyên bà bầu gần sinh nên ngủ nghiêng bên trái, đi bộ nhẹ nhàng, uống nhiều nước tránh thiếu ối… nên mỗi lần thấy em làm sai là hay nhắc lắm. Nói chung là hai đứa đều cố làm những việc tốt, lành mạnh để tốt cho con trong bụng.
Khi em có dấu hiệu sinh (ra ối có máu, đau bụng ê ẩm) là chồng đã ngay lập tức 1 tay xách giỏ đồ 1 tay dắt vợ dẫn ra taxi đi bệnh viện rồi. May mà chồng đưa đi kịp thời chứ như nhiều mẹ kể đau bụng vật vã mấy tiếng đồng hồ mà chồng đi nhậu gọi mãi chả về thấy ớn ớn sao í.
2/ Không cho mẹ ăn uống gì trước lúc mổ
Các mẹ đẻ mổ thường nhập viện sớm để sinh mổ nên hay bị đói. Bố đừng thấy mẹ đói mà cho ăn uống gì nha. Mẹ ăn uống vô thức ăn chưa tiêu hóa kịp, nếu mổ bị dị ứng, sốc thuốc tê dẫn đến nôn ói thì dễ gây tràn dịch màng phổi, nguy hiểm tính mạng lắm đó. Mẹ đừng sợ bị đói vì mổ người ta sẽ truyền nước biển nên cơ thể vẫn được cung cấp nước, dưỡng chất như thường.
3/ Kề vai sát cánh lúc mẹ đau đớn, sợ hãi nhất
Với những mẹ nào đẻ thường thì chắc chắn sẽ trải qua những cơn đau thấu tận trời xanh rồi. Những lúc như thế này, chồng phải ở bên cạnh đỡ đần, chăm sóc, vỗ về, động viên vợ. Các mẹ hãy nắm lấy tay chồng, tựa vào chồng, hít thở sâu, cố gắng chịu đựng cơn đau chứ đừng la hét nhiều vì la hét làm mình nhanh mất sức, lúc vô đẻ là không còn sức rặn nổi đâu, nguy hiểm cho con lắm. Em đẻ thường nên đau bụng dữ lắm, đau lâu nữa chứ, nằm trong phòng chờ sinh mà đau đến nỗi nghiến răng cấu tay chồng trầy chảy máu luôn. Đẻ xong nhìn tay ảnh còn hỏi là anh làm gì tay trầy trụa tùm lum nữa chứ. Hihi.
4/ Kiểm tra kĩ khi nhận con từ tay bác sĩ
Mẹ nhớ dặn bố chú ý vụ này nha. Lần đầu tiên khi bố hoặc người nhà bế bé từ tay bác sĩ phải kiểm tra kĩ xem con có bất thường gì không để kịp thời khiếu nại, hỏi han bác sĩ. Những điều cần lưu ý là: giới tính của con có đúng không, trên cơ thể con có gì bất thường không, thở, hô hấp như thế nào, cân nặng và giờ sinh chính xác… Các bố lưu ý kĩ thật kĩ thêm trường hợp trao nhầm con nữa nha, em là em sợ nhất vụ này.
5/ Thay tã cho con
Mẹ sinh con rồi, bố đừng ỉ i việc chăm bé cho mẹ vợ hay mẹ ruột gì cả nha. Phải phụ mọi người thay tã cho con. Nhiều ông chồng sợ phân bé dơ nên ngại vụ này hoặc có người lại không biết làm thế nào, quấn tã ra sao. Mẹ hãy nói cho chồng biết rằng phân bé sơ sinh không hề bẩn và nặng mùi gì cả đâu, với lại phải để ý xem mẹ thay tã cho con như thế nào để bắt chước làm theo. Làm cha mà không biết thay tã cho con thì không thể chấp nhận được đâu nè. Chồng em là con một trong nhà nên ban đầu ảnh cũng ngại ngùng mấy vụ này lắm, nhưng rồi nghe em giảng giải ảnh hiểu và thay đổi liền.
6/ Bế con, dỗ con cho mẹ tranh thủ ngủ nghỉ
Mẹ nhớ làm tư tưởng cho bố trước nha. Dặn bố phải siêng bế con để mẹ có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe. Nhất là mấy ông bố trẻ lần đầu có con hay lơ tơ mơ vụ này lắm á.
7/ Bố massage cho mẹ khi mẹ lên cơn gò tử cung
Dù sinh thường hay sinh mổ, mẹ cũng chắc chắn phải chịu những trận đau kinh hoàng do cơn gò tử cung gây ra. Những lúc như vậy, mẹ nên bảo bố massage nhẹ nhàng ngay vị trí đó cho đỡ đau. Đừng vội chườm nóng hay nịt bụng dễ gây băng huyết lắm. Khi nào ở cữ ít dần máu sản thì mẹ hãy chườm nóng và nịt bụng sau.
8/ Không nói những câu không nên nói
Trong lúc mẹ lâm bồn và sau khi sinh, bố phải cẩn thận từng lời ăn tiếng nói. Đừng nói những câu làm mẹ buồn bực, tủi thân, nổi giận sẽ dễ dẫn đến băng huyết, hậu sản, trầm cảm. Ví dụ: mẹ đau đẻ la hét bố không động viên làm chỗ dựa mà còn cộc cằn la mẹ, bảo mẹ không biết đẻ, chê mẹ xấu sồ sề, chê con còi…
9/ Đỡ đần việc nhà, nấu cho mẹ những món ăn ngon bổ sau sinh
Mẹ ở cữ còn đau, mệt mỏi vì chăm con nên bố phải tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, nấu cho mẹ những món ăn ngon bổ để nhanh chóng lấy lại sức và có sữa cho con bú. Bố cũng chuẩn bị tâm lý và tập dần những thói quen mới khi có con như: siêng chơi đùa với con, cho con ăn, dỗ dành khi con khóc…