Hãy thử nhớ lại một trong muôn vàn ngày không vui bạn đã từng trải qua xem nào! Sáng mở mắt ra vội vàng chuẩn bị đưa con đến lớp mẫu giáo thì xe thủng lốp, phải dắt bộ cả quãng đường dài. Đưa con đến nơi thì cô giáo phàn nàn con chưa ngoan, ăn ngủ kém.
Đã thế, đến công ty mở ba lô ra mới phát hiện chai nước cam sáng nay vội vàng bỏ vào để mang đi đã rỉ hết ra laptop. Đỉnh điểm của sự chán chường là vì một lỗi nhỏ mà cả đồng nghiệp và cấp trên cùng chỉ trích bạn thậm tệ.
Khởi đầu một ngày mới vô cùng tồi tệ, đúng không? Và suốt cả ngày hôm đó bạn sẽ bị cảm giác chán chường chi phối, chẳng làm được gì ra hồn ngoài việc oán trách số phận sao lại bất công với bạn đến thế và mãi không thể thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đó.
Nhưng nếu suy nghĩ theo 4 quy tắc tâm linh sâu sắc được người Ấn Độ luôn xem như kim chỉ nam dưới đây bạn sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn, an nhiên mà tận hưởng cả niềm vui và những nỗi buồn xảy ra trong cuộc đời mình đấy.
Quy tắc 1: “Bất cứ người nào bạn gặp cũng ĐÚNG là người mà bạn cần gặp”
>>> Mua Sâm Hàn Quốc không sợ bị hàng giả, hàng kém chất lượng tại 10 cửa hàng nổi tiếng uy tín tại TPHCM
Điều này có nghĩa là không phải ngẫu nhiên mà một ai đó xuất hiện trong cuộc đời của bạn. Bất kỳ ai dù chỉ là người đi ngang qua chúng ta trên đường đời cũng đều mang một ý nghĩa nào đó. Họ đều là những người “thầy” dạy cho bạn những thứ không phải cứ bỏ tiền ra là học được.
Tất cả mọi người xung quanh chúng ta, từ vợ chồng, con cái, bố mẹ, anh chị em, đồng nghiệp, bạn bè và cả kẻ thù, dù yêu thương, ghét bỏ, giúp đỡ hay đối đầu với bạn đều dạy cho bạn cách sống, cách yêu thương, bao dung và nhẫn nhịn.
Tại ĐÚNG một thời điểm nhất định của cuộc đời, ĐÚNG những con người đó sẽ xuất hiện để giúp bạn vượt qua khó khăn, tôi luyện ý chí, nhận ra giá trị của cuộc sống và chính bản thân mình.
Nếu đồng nghiệp, lãnh đạo công ty không nghiêm khắc phê bình bạn vì lỗi lầm trong câu chuyện ban sáng thì biết đâu bạn đã không nhận ra, không rút kinh nghiệm để rồi lại phạm phải lỗi nghiêm trọng hơn lần sau thì sao?
Vậy nên, đừng chỉ biết oán trách, ghét bỏ những người khiến bạn cảm thấy buồn và tổn thương bởi nếu không có họ bạn sẽ chẳng bao giờ biết trân trọng, biết ơn những người luôn trao cho bạn cơ hội, tặng bạn những khoảnh khắc vui vẻ trong đời.
Quy tắc 2: “Bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời bạn đều là những điều nên xảy ra”
Không có điều gì chúng ta từng trải qua trong cuộc đời mình đáng ra KHÔNG NÊN xảy ra cả, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Trước mỗi một sai lầm hay vấp ngã, chúng ta đều than thở “Giá như mình không làm thế thì mọi chuyện đã khác”.
Nhưng KHÔNG, chẳng có cái giá như nào hết bởi những gì nên xảy ra thì đều đã xảy ra. Qua đó, chúng ta rút ra được bài học để hoàn thiện, phát triển bản thân hơn.
Mỗi khoảnh khắc, mỗi tình huống xảy ra trong cuộc đời đều được “lập trình” một cách HOÀN HẢO cho dù bạn có không muốn nó xảy ra thế nào chăng nữa. Vì vậy, đừng tốn thời gian để hối tiếc với những câu “giá như” về những chuyện đã qua nữa.
Thay vì ngồi đó bực tức, bất lực, trách mình ẩu đoảng với chiếc laptop bị dính đầy nước cam ban sáng, bạn bình tĩnh chấp nhận, tìm cách lau chùi rồi đêm chiếc máy tính đi xử lý rồi rút kinh nghiệm lần sau không bao giờ để nước vào ba lô đựng laptop nữa, có phải là nhẹ nhàng hơn không?
Tương tự như vậy, khi bị kẹt cứng trên một tuyến đường đông đúc trong lúc đưa con đi học bạn cũng sẽ không ngờ rằng nếu đi nhanh hơn chút nữa thì một chiếc xe tải lao như bay trên đường có thể cướp đi sinh mạng của mình và con thì sao?
Bởi vậy mới nói, đừng ngồi mà ước “giá như” bởi chẳng có gì xảy ra trong cuộc đời là không có nguyên do của nó. Nhẹ nhàng chấp nhận mới có thể ung dung, tự tại.
Quy tắc 3: “Chuyện gì đến, ắt sẽ đến”
Tất cả mọi chuyện trên đời đều bắt đầu vào đúng thời điểm nó cần đến, không sớm hơn, cũng chẳng muộn hơn. Chúng ta không thể đoán trước điều gì sắp xảy ra, cũng không thể ngăn chặn nó vì nó vẫn luôn ở đó và sẽ xảy ra vào một thời điểm chẳng ai ngờ tới.
Thế nhưng, nếu chỉ ngồi một chỗ và lo sợ những chuyện tồi tệ sẽ xảy ra với mình, bạn sẽ chẳng có thời gian mà tận hưởng những khoảnh khắc đáng quý của hiện tại nữa. Bạn không thể kiểm soát hết những thứ xảy ra xung quanh nên hãy dũng cảm mà đón nhận, dù đó là niềm vui hay nỗi buồn.
Mọi chuyện xảy ra trên đời không phải để đáp ứng những ý thích, ước muốn của bạn mà để giúp bạn học cách bình thản đối diện với những chuyện bất ngờ xảy ra. Cuộc đời bạn không phải là một cuộc đua, ai rồi cũng sẽ đi đến đích vậy sao chúng ta lại phải sống vội cơ chứ?
Quy tắc 4: “Chuyện gì đã qua, hãy để cho nó qua”
Quy tắc này rất đơn giản. Khi một điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta kết thúc, thì có nghĩa là nó đã làm hết bổn phận của mình trong việc giúp ta phát triển. Duyên phận của chúng ta với điều đó đã chấm dứt để nhường chỗ cho mối nhân duyên khác hội tụ.
Đôi khi chia tay một người hay rời bỏ một công việc chưa chắc đã là điều không tốt bởi biết đâu đó lại là cơ hội để chúng ta đến với một nửa đích thực của đời mình và tìm được một cơ hội công việc với môi trường và mức lương tốt hơn.
Đó là lý do tại sao Phật dạy chúng ta hãy biết buông bỏ, để lại sau lưng những muộn phiền và quá khứ để dành sức tiếp tục cuộc hành trình của đời mình. Để có thể an nhiên, mỗi người nên biết tùy duyên và thuận theo tự nhiên mà sống.
Không phải ngẫu nhiên mà bạn đọc được bài viết này bởi vậy nếu cảm thấy đúng, đừng giữ cho riêng mình! Hãy yêu thương bản thân, sống an nhiên và luôn hạnh phúc nhé!
(Nguồn: Trí Thức Trẻ)
Nhân quả chính là thứ công bằng nhất trên thế gian
Nhân quả chính là một định luật tất yếu trong sự hình thành nhân sinh quan con người. Nhân quả được coi là một quy tắc không thể nào thiếu được khi hình thành xã hội nhân bản đạo đức.
Cổ nhân nói rằng: Đừng có tạo nghiệp ác, tạo nghiệp thiện còn có thể lên thiên đàng, nghiệp ác, phải xuống địa ngục. Con người có thể lên thiên đàng, cũng có thể xuống địa ngục, tất cả đều do chính ý niệm của mình mà ra.
Nhân quả rất đa dạng và phức tạp
Sự diễn biến từ nhân cho đến quả còn tùy thuộc vào các duyên, nhân quả có thể báo ứng liền tức khắc như việc chúng ta đang đói, chỉ cần ăn vào thì được no và kết quả của nó cũng có thể xảy ra ở một tương lai gần hoặc xa. Chỉ cần chúng ta chịu khó quan sát những việc xảy ra trong hiện tại, ta sẽ dễ dàng nhận ra quả báo trước mắt của những việc làm xấu hay là tốt.
Suy nghĩ, cảm xúc của con người luôn thay đổi, chịu tác động nhanh chóng bởi các sự kiện xung quanh. Theo luật nhân quả, thành công hay là thất bại đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Nếu chúng ta muốn đạt được nhiều kết quả tốt đẹp thì ắt phải biết gieo nhân thiện ích cứu vật giúp người.
Theo quan điểm của đạo Phật, luật nhân quả báo ứng chính là nền tảng sống của muôn loài vật, không một ai có thể tách rời luật nhân quả mà tồn tại. Phật dạy chính chúng ta là chủ nhân của mọi điều họa phúc, làm ác chịu quả khổ đau, mình làm lành được hưởng phước tốt đẹp.
Bàn về quan hệ nhân duyên
Giữa nhân quả còn có một thứ quan trọng, đó chính là “duyên”. Có nhân thì ắt có quả. Tền tài, sự nghiệp tất cả moi thứ đều như vậy, đều dựa vào cái gọi là duyên phận. Duyên phận là thứ gì? Phật dạy mọi vật ở trong vũ trụ này được sinh ra là bởi chữ Duyên, tất cả đều là do duyên khởi cho nên Nhân – Duyên – Quả, đây chính là chân lý không phải ai cũng có thể dễ dàng mà hiểu được.
Bước đầu tiên của nhân duyên đó là chính kiến, phải có chính kiến, nhận thức chính xác, không được ngộ nhận sai lầm.
Có nhân duyên tốt ắt sẽ có nhân duyên xấu, trong đó mỗi người đều chí hướng khác, có người có mặt này nhiều, mặt kia ít, cũng có người mặt kia nhiều mặt này ít, bởi vậy cho nên, nhân duyên phải là vừa đủ, nó mới ó thể trở thành thiện duyên. Đôi khi, dù chỉ là tình cờ, bạn nghe thấy ai đó nói một câu nói vô tình nào đó, sau khi nghe xong thì nó lại trở thành là duyên.
Duyên cần phải có điều kiện, không thể nào đơn độc tồn tại, ví như con người chúng ta thì không thể nào có thể đơn độc tồn tại. Người thì cần phải có ăn cơm, gạo thì cần có nông dân cấy trồng, cần mặc quần áo, quần áo thì lại cần có người dệt vải, cần mua sắm đồ dùng thì cần phải có thương nhân, v.v., con người cần phải có rất nhiều nhân duyên mới có thể tồn tại được.
Cũng chính bởi Nhân – Duyên – Quả là chân lý vĩnh hằng, nên cổ nhân vẫn dạy rằng: Làm người phải hành thiện, tích đức, làm nhiều việc tốt kết thiện duyên, như vậy mới có thể sống an lạc, đủ đầy.
Sưu Tầm
Muốn nhìn thấu một người, đơn giản chỉ cần nhìn vào 6 điểm sau đây
Trong cuộc sống hay trong công việc, đôi khi những quyết định quan trọng của bạn chịu ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Vậy làm thế nào để nhìn thấu một người, làm thế nào để phán đoán và đánh giá chính xác về một người nào đó?
Cách làm đơn giản nhất là nhìn vào những dấu ấn của họ như thành tích, sự nghiệp, địa vị xã hội, chức vụ công việc…Những yếu tố này là một phương diện để đánh giá một người, nhưng không thể phản ánh tất cả diện mạo cũng như tư chất của họ. Bởi chính những nhân tố nhỏ bên trong mới phản ánh thiết thực nhất bản chất của một người.
Dưới đây là 6 yếu tố giúp bạn có được cái nhìn sâu sắc về một người, chúng ta hãy cùng tham khảo.
1. Tỷ lệ thời gian giữa lắng nghe và biểu đạt
Nếu một người dành trên 60% thời gian cho việc biểu đạt so với việc lắng nghe, vậy thì bạn nên thận trọng khi tiếp xúc với họ. Nghe ít nói nhiều thường là biểu hiện của một người tự cao tự đại, xem thường người khác, không có chí cầu tiến, không muốn học hỏi từ mọi người, hoặc giả không tự tin khi đứng trước người khác dẫn tới việc nói năng mất kiểm soát.
2. Là người toả ra năng lượng hay là người thu hút năng lượng?
Có một kiểu người luôn mang theo trường năng lượng tiêu cực, khiến những người xung quanh cảm thấy chán nản, bi quan. Điều đáng tiếc là xung quanh chúng ta vẫn luôn tồn tại kiểu người này.
Còn một kiểu người khác mang năng lượng chính diện, lạc quan yêu đời. Cổ ngữ có câu: “Tặng người hoa hồng, tay giữ hương thơm”, ý nói rằng: Mang điều tốt đẹp đến cho người khác thì bản thân cũng được may mắn, ví như mang hoa hồng tặng cho người thì tay mình cũng lưu lại hương thơm.
Khi tiếp xúc với những người có năng lượng chính diện, từ bi, hòa ái, thì những người xung quanh sẽ cảm thụ và cùng cộng hưởng để trường năng lượng tích cực ấy ngày một lớn hơn.
3. Là người có xu hướng hành động hay phản kháng?
Có nhiều người khi tiếp nhận một công việc mới thì lập tức có thái độ phòng thủ, phản kháng. Còn một kiểu người khác, khi tiếp nhận một công việc mới thì lập tức hành động, tìm hiểu vấn đề, và giải quyết vấn đề. Chúng ta nên tiếp xúc nhiều với kiểu người thứ hai này.
4. Là người cho bạn cảm giác chân thành đáng tin hay cảm giác dễ chịu?
Đó là người vì muốn để lại ấn tượng nên thường hay dùng lời lẽ dễ nghe để tán dương bạn, đây là kiểu người không nên đặt niềm tin. Người thực sự đáng tin cậy không bao giờ nịnh nọt, họ không cần phải dùng thủ đoạn để lấy cảm tình của người khác. Bởi họ dám sống với chính mình nên cũng khiến mọi người xung quanh thêm gần gũi và muốn hợp tác với họ nhiều hơn.
5. Cách ứng xử của họ như thế nào?
Khi tôi tuyển dụng một vị trí quan trọng trong công ty, một đối tác làm ăn chỉ cho tôi cách nhìn người như thế này: Hãy mời họ cùng với vợ hoặc chồng, hoặc là người thân nào đó của họ, đến dự một bữa tiệc, tham gia một buổi dã ngoại hoặc một hoạt động nào đó.
Đây chính là thời điểm mà bạn có thể quan sát họ được toàn diện nhất; hãy xem họ có hoà đồng với mọi người không, có sức hấp dẫn với người xung quanh không, và khi xảy ra vấn đề thì cách xử lý tình huống của họ như thế nào?
6. Họ đối đãi như thế nào với người lạ?
Hãy quan sát xem họ đối xử với người lạ như thế nào. Tôi từng đóng thân phận một người phục vụ, cụ thể là một người tài xế, để xem người mình cần tuyển dụng có đối xử thân thiện và hào phóng hay không? Có thể giao tiếp bình đẳng với một người phục vụ, một người tài xế hay không? Hoặc giả người này có thái độ bề trên, coi thường, phân biệt tầng lớp hay không?
Theo Tinhhoa.net