Đây là những ngành nghề có nhu cầu nhân lực lớn mỗi năm và là những nghề quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế nước nhà. Chính vì điều đó mà chúng luôn có một sức hấp dẫn nhất định với các bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên, nhu cầu cao cũng kèm với nhiều áp lực. Bên cạnh đó nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được về mặt số lượng cũng như chất lượng, trình độ chuyên môn, cần phải học hỏi và trau dồi thêm nhiều trong quá trình học tập và làm việc sau này.
1. Ngành Cơ khí – Điện – Điện tử
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, hiện nay hàng loạt các ngành về cơ khí – kĩ thuật như: Điện tử viễn thông, Cơ điện tử, Luyện kim, Ôtô, Chế tạo máy… đang rất thiếu nhân lực. Nguồn nhân lực có thể đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp kinh doanh nhóm ngành này chỉ đạt mức 54,87%.
Hiện các khu công nghiệp – khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh miền Bắc luôn trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng đội ngũ kĩ sư ngành động lực, chế tạo máy, tiện, phay… dù liên tục đăng tin tuyển dụng.
2. Ngành dầu khí
Theo báo cáo của Bộ Công Thương năm 2011, thu nhập bình quân của nhân viên PetroVietnam là 16,2 triệu đồng mỗi tháng, cao nhất trong số 17 tổng công ty và tập đoàn của Nhà nước. Và cho đến nay mức thu nhập này vẫn luôn cao và dầu khí luôn là một nghề hấp dẫn.
Nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này ở hiện tại và tương lai ít nhất 5 – 10 năm tới rất dồi dào bởi ở nước ta hiện nay đang tiếp tục mở rộng khai thác dầu tại các mỏ nhỏ và các dự án hợp tác với đối tác nước ngoài ngày càng tăng. Song nghề này áp lực cạnh tranh rất cao, phải thật sự giỏi nghề và yêu nghề mới trụ vững.
3. Ngành Xuất Nhập khẩu – Logistics
Nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này chiếm khoảng 40% tổng nhu cầu tuyển dụng, trong đó nhu cầu lao động thời vụ chiếm khoảng 25%. Người học ngành này có thể làm việc tại các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau với nhiệm vụ quản trị chiến lược kinh doanh, hoạch định chính sách vận tải, thiết kế chuỗi vận tải hiệu quả, thực hiện nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, phân tích và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.
4. Ngành Công nghệ Thông tin
Dù kinh tế khó khăn, thị trường việc làm trở thành cuộc cạnh tranh khốc liệt cho các bạn trẻ nhưng ngành công nghệ thông tin vẫn luôn “khát” nguồn nhân lực chất lượng. Sự phát triển vũ bão của internet khiến lập trình viên trở thành nghề “hot” được các công ty săn đón, trả lương hậu hĩnh và còn có cơ hội được đi tu nghiệp ở nước ngoài.
Các công ty sẵn sàng trả lương từ 1.000 USD hay khoảng 20.000.000 đồng trở lên cho các nhân sự có trình độ giỏi và thông thạo tiếng Anh.
Chỉ riêng ở TP.HCM, nhu cầu nhân sự CNTT đã là 8.000 người/năm, tập trung vào các vị trí như lập trình viên, kĩ sư hệ thống mạng, kĩ sư phần cứng, kĩ thuật viên – chuyên viên thiết kế lập trình web, lập trình điện thoại di động, game, an ninh mạng, IT.
Kết quả các thống kê cho biết chỉ có khoảng 15% kĩ sư ngành này ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Số còn lại phải đào tạo lại từ 3-5 tháng. Do vậy, các ngành này đang rất cần đội ngũ nhân lực giỏi.
5. Ngành ngân hàng
Mặc dù trong một vài năm trước ngành ngân hàng rơi vào tình trạng khủng hoảng, tuy nhiên hiện nay đang dần khôi phục và có những chuyển biến tích cực. Chính vì vậy mà trong tương lai, nhu cầu nhân lực ngành này lại càng gia tăng và có nhiều triển vọng.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM (FALMI), ngân hàng là một trong những ngành “nóng” về nhân lực trong năm 2016. Nhưng khác với những cơn “sốt” về số lượng trong thời gian qua, thị trường lao động ngày càng khó tính và đòi hỏi cao. Không phải sinh viên nào cầm tấm bằng đại học ngành này cũng dễ dàng xin việc, yêu cầu của các nhà tuyển dụng đặt ra về chuyên môn cũng như kĩ năng, ngoại ngữ của các ứng viên cũng ngày càng cao.
Rất nhiều vị trí trong ngân hàng có thu nhập trên dưới 20.000.000 triệu đồng/tháng. Trong đó, nhân viên thanh toán cấp cao được ưu đãi nhất khi nhận lương từ 30.000.000 đồng tới 40.000.000 đồng/tháng.
6. Ngành marketing
Marketing được xem là ngành dễ xin việc hiện nay. Do xu thế toàn cầu hóa, hầu như các công ty từ sản xuất đến dịch vụ đều cần đội ngũ nhân viên tiếp thị để giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh với thị trường. Lương của nhân viên marketing tùy vào quy mô công ty và tính chất công việc. Tùy năng lực, các nhân viên marketing giỏi ở các tập đoàn, công ty đa quốc gia có thể nhận lương lên đến con số hàng ngàn USD.
Tuy nhiên, đây cũng là ngành mang tính cạnh tranh khốc liệt và đổi thay không ngừng, vì thế, các nhân viên trong ngành marketing luôn phải học tập không ngừng mới có thể bắt kịp thời đại, đưa ra được những chiến lược tiếp thị tốt.
7. Ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn
Những năm gần đây, du lịch – nhà hàng – khách sạn đã giúp các doanh nghiệp hái ra tiền tỷ. Tuy nhiên, theo Tổng cục Du lịch cho biết mỗi năm toàn ngành cần thêm khoảng 40.000 lao động nhưng số lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ đáp ứng 60% nhu cầu, trong đó chỉ có 12% đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, nhất là trình độ ngoại ngữ.
Theo số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực, vẫn còn khoảng 30 – 45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70-80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn ngoại ngữ.
Để đáp ứng được nhu cầu nhân sự của ngành này, các bạn sinh viên cần trau dồi cho mình vồn ngoại ngữ thật tốt.
8. Ngành nhân sự
Bất kì tổ chức nào cũng cần đội ngũ quản lý nhân sự. Tổ chức càng đông người, vai trò của quản lý nhân sự càng lớn. Vì thế, đây cũng là một trong những ngành hấp dẫn cho các bạn trẻ. Tùy quy mô doanh nghiệp mà một sinh viên mới ra trường làm ngành nhân sự có thể tìm được việc làm với mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng, cấp trưởng phòng được trả hơn 1.000 USD/tháng và các vị trí giám đốc nhân sự có thể có thu nhập từ 2.500 đến 3.000 USD/tháng.
9. Ngành xây dựng
Ngành xây dựng rất “đắt hàng” bởi cung không đủ cầu, đào tạo càng không đủ đáp ứng nhu cầu. Dù chịu ảnh hưởng rất nặng nề do khủng hoảng, suy giảm kinh tế, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 2006 -2010 của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng vẫn đạt trên 20%/năm… Do đó, nghề xây dựng từ cấp kĩ sư đến thợ lành nghề đều có cơ hội tìm được công việc với mức lương hấp dẫn.