Bác sĩ tiết lộ cách chống loãng xương khoa học: Có thể lâu nay bạn đang làm sai?

Phó giáo sư, bác sĩ Dương Đức Hồng, Trưởng khoa xương khớp, Bệnh viện Nam Phương, thuộc Trường ĐH Y Nam Phương hướng dẫn cách phòng ngừa loãng xương ngay từ khi còn nhỏ.

Xương là “tài sản” bạn phải xây dựng ngay từ khi còn nhỏ

Mọi bộ phận trong cơ thể cần được “bồi bổ” trong bất kỳ giai đoạn nào trong đời để chúng tốt lên, riêng xương lại không như vậy. Muốn có vóc dáng cao, khung xương chắc khỏe, bạn phải “lo” cho việc này từ thuở lọt lòng.

Theo PGS Hồng, muốn có bộ xương chắc khỏe khi về già, bạn buộc phải quan tâm đặc biệt hơn bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể.

Hệ xương phát triển qua 3 giai đoạn: Tăng trưởng, ổn định và xuống dốc. Thời gian tăng trưởng là từ khi hình thành thai nhi cho đến khoảng 20 tuổi. Trong giai đoạn này cơ thể sẽ củng cố cả mật độ xương và chất lượng xương.

Sau đó, khung xương duy trì ổn định cho đến tuổi trung niên.

Giai đoạn “đi xuống” mạnh mẽ nhất của phụ nữ bắt đầu từ sau khi mãn kinh khoảng 5-10 năm. Còn nam giới thì bị loãng xương chậm hơn và không có thời kỳ rõ rệt nhưng sau tuổi 40 cũng sẽ “xuống dốc” một cách từ từ.

PGS Hồng cho biết, trong quá trình nghiên cứu của mình, ông nhận thấy việc chăm sóc xương rất nhẹ nhàng và thực hiện qua 3 cấp độ, thứ nhất là giai đoạn khởi nguồn, tức là bổ sung dưỡng chất để nâng cao cả chất và lượng cho xương trước 20 tuổi.

Giai đoạn 2 là bảo dưỡng, bằng cách chăm sóc xương ở lứa tuổi sau 20 đến trước 40 tuổi để xương phát triển và duy trì trạng thái ổn định.

Giai đoạn 3 là sau 40 tuổi, thời điểm mấu chốt nhất để nâng cao khả năng giữ cho xương duy trì ổn định, từ 70 tuổi trở đi việc giữ cho xương không bị loãng và gãy là vấn đề sống còn.

Ông cho rằng, vì những lý do đó, nếu chờ đến khi có dấu hiệu loãng xương hoặc yếu hay gãy mới chăm sóc thì đã quá muộn, dùng phương pháp nào cũng khó cứu vãn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phương pháp khoa học nhất là kiên trì tập thể dục

Đa số các nghiên cứu đều chứng minh rằng rèn luyện hợp lý là một trong những cách làm cho xương ổn định tuổi thọ nhất, giúp hấp thụ tốt canxi ở mọi lứa tuổi.

Vì thế, theo PGS Hồng, ở bất kỳ lứa tuổi nào, cách chăm sóc xương tốt nhất là thói quen vận động phù hợp.

Không chỉ làm chắc xương, mà thể dục còn giúp cho cơ bắp săn chắc và khỏe mạnh hơn, cải thiện sự cân bằng của cơ thể và ngăn ngừa té ngã.

Các hình thức vận động bao gồm: chạy bộ, đi dạo, đi bộ nhanh, leo cầu thang, nhảy dây, các bài tập thông thường khác.

Mỗi người có thể lựa chọn môn thể thao riêng của mình, tuân thủ 3-5 lần tập/tuần, mỗi lần tối thiểu 30 phút.

Bài tập tăng cường cơ bắp: Tập tạ, kéo dây chun, các bài kéo nâng tay lên, các bài tập với thiết bị, trồng cây chuối, duy trì 2 lần/tuần.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Món ăn sáng tuyệt vời nhất là hạt yến mạch hoặc ngũ cốc pha sữa

Các thành phần quan trọng cấu thành xương bao gồm hợp chất canxi, canxi, vitamin, các chất protein. Vì thế canxi được xem là thành phần quan trọng không thể thiếu để nuôi dưỡng xương chắc khỏe.

PGS Hồng cho biết, theo nghiên cứu, nhu cầu canxi hàng ngày của cơ thể cụ thể như sau: trẻ từ 10-18 tuổi cần 1300mg/ngày; từ 19-70 tuổi cần 100mg/ngày; từ 70 tuổi trở lên cần 1200mg/ngày.

Các loại thực phẩm có lượng canxi tốt nhất là sữa và các chế phẩm từ sữa. Một số loại rau có lượng canxi khá cao như cải ngọt, súp lơ, và các loại hạt.

Mặc dù dân gian truyền miệng rằng canh xương là món có thể bổ sung canxi tốt, nhưng nghiên cứu cho thấy nó không “thần kỳ” như vậy, bạn không nên coi đây là cách bổ sung canxi thường xuyên.

Theo khuyến cáo của hiệp hội chống loãng xương Trung Quốc, mỗi ngày bạn nên bổ sung một cốc sữa chua hoặc sữa tươi, tương ứng với ¼ nhu cầu canxi trong ngày.

Hoặc uống 1 cốc sữa bột/chế phẩm từ sữa như loại phô mai giàu canxi.

Ngoài ra, món ngũ cốc pha sữa uống vào bữa sáng được xem là món ăn tốt nhất để bổ sung canxi. Lời khuyên cuối cùng là bạn phải ăn thêm rau quả trái cây đa dạng trong ngày.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không chỉ người béo, người gầy cũng có nguy cơ mắc bệnh loãng xương

Theo kết quả nghiên cứu, hút thuốc làm tăng nguy cơ gãy xương tới 29%, trong đó nguy cơ gãy xương hông tăng 68%.

Mặc dù nghiên cứu không “buộc tội” rượu chính là nguyên nhân trực tiếp gây loãng xương, nhưng lý do ngã gãy xương xuất phát từ nguyên nhân do uống rượu là phổ biến.

Quá béo sẽ sinh nhiều bệnh, nhưng gầy quá cũng mắc bệnh loãng xương, chuyên gia khuyên bạn nên duy trì chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) trong giới hạn bình thường là > 20.

Ngoài ra, uống nhiều nước ngọt có gas cũng làm giảm khả năng hấp thụ canxi, gây loãng xương nhanh chóng.

Theo PGS Hồng, điều trị loãng xương là một quá trình lâu dài, phải kết hợp hài hòa giữa ăn uống và luyện tập, cũng như dành thời gian vận động và tắm nắng ngoài trời hàng ngày.

Nếu bạn không kiên trì, bỏ dở các liệu pháp và lộ trình điều trị thì bệnh chắc chắn sẽ trở nên trầm trọng!

Theo tri thức trẻ

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.